Ảnh minh họa. Ảnh: Internet
Giá vàng trong nước tiếp tục lao dốc
Vào cuối phiên ngày 4/4, giá vàng miếng trong nước bất ngờ đảo chiều sụt mạnh. Hiện nay, các thương hiệu vàng phổ biến đang mua vào ở mức 98,8 triệu đồng/lượng và bán ra ở khoảng 101,3 triệu đồng/lượng. Đáng chú ý, giá mua vào của vàng Phú Quý SJC thấp hơn 200.000 đồng so với các thương hiệu khác.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với vàng nhẫn khi giá được điều chỉnh giảm đáng kể. Cụ thể, vàng nhẫn SJC 9999 đã giảm 700.000 đồng ở chiều mua và 800.000 đồng ở chiều bán, đưa giá lần lượt về 98,7 triệu đồng/lượng và 101,4 triệu đồng/lượng.
Tại Hà Nội và TP.HCM, DOJI cũng tiến hành điều chỉnh giảm 200.000 đồng với chiều mua vào và 900.000 đồng với chiều bán ra, đưa giá tương ứng xuống còn 98,5 triệu đồng/lượng và 101,3 triệu đồng/lượng.
Thương hiệu PNJ công bố giá vàng nhẫn ở mức 98,7 triệu đồng/lượng mua vào và 101,3 triệu đồng/lượng bán ra, tương ứng giảm 800.000 đồng chiều mua và 900.000 đồng chiều bán.
Bảo Tín Minh Châu đang niêm yết vàng nhẫn tròn trơn ở mức 99 triệu đồng/lượng mua vào và 101,6 triệu đồng/lượng bán ra, mức giảm lần lượt là 100.000 đồng và 700.000 đồng.
Trong khi đó, Phú Quý SJC lại nâng giá mua vào vàng nhẫn lên 98,8 triệu đồng/lượng và giá bán ra lên 101,6 triệu đồng/lượng, tức tăng lần lượt 200.000 đồng và 700.000 đồng.
Diễn biến giá vàng thế giới
Dữ liệu từ Kitco cho biết vào lúc 5 giờ sáng theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay thế giới ghi nhận ở mức 3.043,28 USD/ounce. So với phiên trước, giá giảm 2,2%. Nếu quy đổi theo tỷ giá USD tự do (25.950 VND/USD), giá vàng thế giới hiện vào khoảng 95,2 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế và phí). Như vậy, vàng SJC trong nước đang cao hơn vàng quốc tế 6,1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng đã giảm hơn 2% do các nhà đầu tư thực hiện việc thanh lý vị thế vàng thỏi sau đợt bán tháo trên diện rộng, trong bối cảnh Trung Quốc áp đặt thêm thuế mới nhằm trả đũa chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Trump.
Vào lúc 10:05 sáng EDT (1405 GMT), giá vàng giao ngay giảm 1,9% còn 3.053,98 USD/ounce. Trước đó, kim loại quý này đã lập đỉnh lịch sử ở mức 3.167,57 USD vào ngày thứ Năm. Giá vàng kỳ hạn tại Mỹ cũng điều chỉnh giảm 1,6%, còn 3.072,10 USD.
Theo phân tích, nhà đầu tư đang giảm lượng vàng nắm giữ nhằm bù đắp thiệt hại từ các tài sản khác, do bị thúc ép bởi các cuộc gọi ký quỹ. “Chúng tôi vẫn thấy dư địa cho những rủi ro tăng giá hơn nữa, do môi trường ngại rủi ro hiện tại... chúng tôi kỳ vọng giá sẽ đạt mức cao kỷ lục hơn nữa trong quý II”, nhà phân tích Suki Cooper của Standard Chartered cho biết.
Dự đoán về giá vàng trong quý II từ ngân hàng này là 3.300 USD/ounce.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố sẽ áp mức thuế bổ sung 34% đối với toàn bộ hàng hóa Mỹ từ ngày 10/4 tới, nhằm đáp trả các mức thuế mới mà ông Trump vừa ban hành trong tuần này.
Thị trường chứng khoán toàn cầu tiếp tục sụt giảm ngày thứ hai liên tiếp sau thông tin này, khiến các khoản lỗ gia tăng giữa những lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Theo báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ vào ngày thứ Sáu, nước này đã tạo thêm 228.000 việc làm trong tháng 3, vượt xa mức dự báo 135.000 của các chuyên gia tham gia khảo sát của Reuters. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 4,2%, cao hơn so với kỳ vọng 4,1%.
“Tôi nghĩ (dữ liệu NFP) sẽ giúp Cục Dự trữ Liên bang có cơ sở để tiếp tục trì hoãn việc hạ lãi suất”, Alex Ebkarian, giám đốc điều hành của Allegiance Gold, cho biết.
Dù vàng thường được coi là tài sản phòng thủ trong thời kỳ bất ổn, nhưng môi trường lãi suất thấp lại là điều kiện thuận lợi để kim loại quý này tăng trưởng. Hiện tại, thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm tổng cộng 120 điểm cơ bản lãi suất vào cuối năm, khởi đầu từ tháng Sáu.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đang chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell diễn ra vào cuối ngày để có thêm manh mối về định hướng chính sách tiền tệ.
Giá bạc giao ngay sụt 4,9% còn 30,32 USD/ounce, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2020. Giá bạch kim lùi 2,8% xuống 925,55 USD, trong khi palladium mất 1,4%, còn 915,21 USD; cả hai đều đang hướng đến tuần sụt giảm.
Cao Thông (t/h)