Cập nhật giá vàng trong nước
Theo khảo sát của phóng viên Lao động Thủ đô, tại thời điểm 17h00' ngày 30/10, trong nước, Công ty SJC niêm yết vàng miếng SJC ở mức 88 - 90 triệu đồng/lượng, tăng lần lượt 1 triệu đồng/lượng ở mỗi chiều so với cập nhật đầu giờ sáng nay. Chênh lệnh hai chiều mua - bán là 1 triệu đồng/lượng.
88 - 90 triệu đồng/lượng cũng là giá vàng miếng SJC tại các thương hiệu như Bảo Tín Minh Châu, Bảo Tín Mạnh Hải, Doji, Phú Quý,...
Riêng tại PNJ, giá vàng miếng SJC vẫn đứng mức 87 - 89 triệu đồng/lượng, thấp hơn 1 triệu đồng/lượng ở mỗi chiều so với các thương hiệu còn lại.
Cập nhật giá vàng trong nước thời điểm 17h00 ngày 30/10. (Nguồn: giavang.org)
Cùng thời điểm, giá vàng nhẫn tại các thương hiệu cũng được điều chỉnh. Cụ thể, tại Doji, giá nhẫn tròn 9999 (Hưng Thịnh Vượng) bán lẻ là 88,6 triệu đồng/lượng mua vào và 89,6 triệu đồng/lượng bán ra, cao hơn 600 nghìn đồng/lượng ở mỗi chiều so với cập nhật đầu giờ sáng nay. Chênh lệch giữa hai chiều mua - bán vẫn đi ngang, ở mức 1 triệu đồng.
Còn tại PNJ, thương hiệu này niêm yết giá vàng nhẫn trơn PNJ 999.9 ở mức 88,3 - 89 triệu đồng/lượng, biên độ chênh lệch giữa hai chiều mua - bán là 700 nghìn đồng/lượng, đi ngang so với cập nhật sáng nay.
Đối với Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn tròn trơn được niêm yết ở mức 88,58 - 89,58 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 600 nghìn đồng/lượng so với cập nhật đầu giờ ngày hôm nay. Chênh lệch 2 chiều mua là 1 triệu đồng.
Biến động giá vàng trong nước tăng mạnh được cho là dựa theo diễn biến thị trường quốc tế. Lúc 15h24' hôm nay, vàng thế giới giao dịch ở mức 2.783,6 USD/ounce, phá vỡ mức kỷ lục cũ sau khi bật lên từ mức thấp hàng ngày là 2.739 USD/ounce.
Quy đổi theo tỷ giá hiện tại, giá vàng thế giới tương đương khoảng 84,97 triệu đồng/lượng theo tỷ giá hiện hành, chưa bao gồm thuế và phí. Như vậy, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế dao động từ 2 đến 5 triệu đồng/lượng, tùy thời điểm.
Vừa “đắt” vừa “cháy hàng”
Chia sẻ với phóng viên, nhiều người bày tỏ tâm lý lo ngại khi giá vàng tăng “nóng”, mọi chi phí, giá cả có khả năng sẽ đắt đỏ hơn. Thêm nữa, những người vay mượn nhau bằng vàng cũng sẽ khó khăn trong việc trả nợ.
Bà Nguyễn Thị Hòa (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, những năm trước, mỗi tháng sau khi nhận lương bà đều dành ra một phần để mua vàng tiết kiệm. Nhưng với giá vàng tăng chóng mặt như hiện nay, thu nhập cả tháng của bà cũng không đủ để mua 1 chỉ vàng.
Những biến động phức tạp của giá vàng trong thời gian qua đã khiến không ít cặp đôi, gia đình trăn trở khi mùa cưới đang đến gần. Bởi theo quan niệm của người Việt, việc tặng vàng trong ngày cưới tượng trưng cho sự giàu có, may mắn và lời chúc về cuộc sống sung túc trong tương lai. Ngoài ra, vàng còn là cách tích lũy tài sản an toàn, bảo toàn giá trị lâu dài.
Tình trạng người dân phải xếp hàng mua vàng diễn ra trong nhiều ngày qua.
Chị Vũ Diệu Linh (trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, gia đình chị đang cảm thấy vô cùng áp lực vì tháng 12 tới sẽ diễn ra lễ cưới của con gái chị.
“Việc giá vàng cứ tăng cao như hiện nay, tôi và gia đình cảm thấy khá áp lực. Hiện tại, hai vợ chồng tôi đang dự tính sẽ chỉ mua một ít trang sức vàng làm quà tặng cho các cháu để giữ phần ý nghĩa, còn lại sử dụng các quà tặng khác để giảm chi phí”, chị Linh cho biết.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hòa (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng chia sẻ, bà đăng gặp khó khăn khi chuẩn bị cho lễ cưới của con trai. Bà Hòa cho biết, theo kế hoạch, vợ chồng bà định mua một bộ trang sức đầy đủ (bao gồm vàng, kiềng, lắc tay, nhẫn...) để tặng cho các con trong ngày cưới. Tuy nhiên với mức giá vàng hiện nay, việc mua một trang sức đầy đủ thực sự không phù hợp với kinh tế của gia đình.
Giới chuyên gia cho rằng, việc người dân đổ xô đi mua vàng khi giá vàng liên tiếp lập đỉnh có thể phải đối mặt với rủi ro cao.
Mới đây, trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, Chính phủ cho biết đã can thiệp mạnh mẽ để bình ổn thị trường vàng, giúp giảm chênh lệch giá giữa trong nước và quốc tế, đồng thời ổn định tâm lý người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, vàng miếng SJC được phân phối qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và SJC, bảo đảm người dân dễ tiếp cận. Đồng thời, tăng cường giám sát, xử lý các hành vi đầu cơ, buôn lậu vàng và yêu cầu 100% số doanh nghiệp kinh doanh vàng áp dụng hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế.
Tuy nhiên, khi thẩm tra, các cơ quan quản lý nhận thấy, việc quản lý thị trường vàng còn bất cập, áp lực lên ngoại tệ và tỷ giá. Hiện, nhu cầu mua vàng miếng SJC rất cao, nhưng việc đặt mua trực tuyến khó khăn, khiến giá vàng không phản ánh đúng cung cầu.
Đáng chú ý, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, nhu cầu mua vàng thực tế trong nước ở mức cao, thể hiện qua việc lượt đăng ký tại các ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC luôn trong tình trạng “cháy hàng” chỉ sau ít phút đầu giờ, trong khi mỗi người chỉ được mua 1 - 2 lượng tùy đơn vị.
Các ngân hàng như Vietcombank, VietinBank liên tục thay đổi cách thức, thời gian giao vàng cho khách hàng. Từ chỗ giao vàng trong ngày, người mua tại các đơn vị này nhận sau hai ngày làm việc từ thời điểm đăng ký, giao dịch thành công.
Bên cạnh đó, các thương hiệu được kinh doanh vàng miếng còn lại như DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu,... cũng gần như ngừng bán vàng miếng ra thị trường từ sau khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp “định giá” loại này, do không có nguồn.
Hà Phong