Thời gian qua, giá vàng có nhiều biến động, ảnh hưởng tới tâm lý người dân và ổn định kinh tế vĩ mô. Trước thực trạng đó, Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý thị trường vàng theo hướng chủ động, minh bạch, hiệu quả hơn. Các hành vi thao túng, đầu cơ, buôn lậu vàng cần được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, các cơ quan liên quan được giao nhiệm vụ rà soát, điều chỉnh cơ chế quản lý thị trường vàng, bảo đảm điều tiết cung - cầu hợp lý, duy trì niềm tin của người dân vào thị trường tài chính và năng lực điều hành của Nhà nước.
Chính phủ siết chặt quản lý thị trường vàng, quyết dẹp tình trạng đầu cơ, thao túng
Thị trường tài chính – tiền tệ nói chung tiếp tục được điều hành chủ động, linh hoạt, với mục tiêu ổn định vĩ mô là nền tảng cốt lõi. Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan tiếp tục kiểm soát mặt bằng lãi suất, tiết giảm chi phí tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn. Đây là một trong những giải pháp then chốt để phục hồi sản xuất, hỗ trợ đầu tư và thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Về thu ngân sách, Chính phủ yêu cầu phấn đấu tăng thu ít nhất 15%, đồng thời triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để ưu tiên chi cho đầu tư phát triển. Các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí tiếp tục được thực hiện linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực bất động sản, Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn về pháp lý, vốn và quy hoạch để phục hồi thị trường theo hướng lành mạnh, bền vững. Song song đó, Chính phủ đẩy mạnh triển khai các chương trình nhà ở xã hội, đặc biệt là Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Phong trào “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” cũng tiếp tục được triển khai quyết liệt với hơn 201.000 căn đã và đang được hỗ trợ trên cả nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2025
Tại phiên họp, Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2025 tiếp tục có những chuyển biến tích cực, toàn diện. Sản xuất công nghiệp duy trì đà phục hồi mạnh mẽ, với mức tăng 1,4% trong tháng 4 so với tháng trước; lũy kế 4 tháng tăng 8,4% so với đầu năm và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 10%, phản ánh tín hiệu tích cực từ cầu tiêu dùng trong nước.
Du lịch là một điểm sáng với hơn 7,7 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, mức cao nhất từ trước đến nay và tăng tới 23,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định. Lạm phát được kiểm soát, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng tăng bình quân 3,2%. Thu ngân sách nhà nước đạt 48% dự toán cả năm, tăng 26,3%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 276 tỷ USD, tăng 15,7%, với mức xuất siêu 3,8 tỷ USD.
Thu hút đầu tư nước ngoài cũng ghi nhận kết quả tích cực. Tổng vốn FDI đăng ký trong 4 tháng đầu năm đạt hơn 13,8 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, vốn FDI thực hiện đạt hơn 6,7 tỷ USD, mức cao nhất trong cùng kỳ giai đoạn 2020–2025. Chính phủ cũng đang khẩn trương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với hơn 2.200 dự án đầu tư có quy mô lớn, tổng vốn gần 6 triệu tỷ đồng, nhằm sớm đưa các dự án này vào vận hành.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng chỉ ra nhiều tồn tại và thách thức. Một trong số đó là áp lực điều hành kinh tế vĩ mô trong bối cảnh chính sách quốc tế thay đổi nhanh chóng. Các động lực tăng trưởng truyền thống chưa đạt kỳ vọng, trong khi động lực mới như chuyển đổi số, kinh tế xanh còn cần thời gian để phát huy hiệu quả. Hoạt động sản xuất – kinh doanh ở một số lĩnh vực còn gặp khó khăn; khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn là trở ngại lớn, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tình hình tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, công nghệ cao, lừa đảo qua mạng, buôn lậu, hàng giả, hàng nhái… tiếp tục diễn biến phức tạp. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm, tạo lập môi trường an toàn cho người dân và nhà đầu tư.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn trong mọi lĩnh vực. Đồng thời khẳng định, Chính phủ sẽ kiên định mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Phùng Xuân