Giá vàng giảm mạnh sau loạt động thái tích cực từ ông Trump. Ảnh: Reuters.
Chốt phiên giao dịch ngày 22/4 (giờ Mỹ), giá vàng thế giới giao ngay giảm gần 44 USD, xuống 3.379 USD/ounce, ngay sau khi thiết lập kỷ lục mới ở mức 3.500 USD.
Trong phiên giao dịch đang diễn ra, có thời điểm giá vàng mất thêm hơn 40 USD để giảm về mức 3.320 USD, tuy nhiên sau đó đã hồi phục ở mức 3.370 USD/ounce hiện tại. Dù vậy, so với đỉnh lịch sử thiết lập hôm qua, giá vàng giao ngay hiện vẫn thấp hơn gần 130 USD/ounce, tương đương mức giảm ròng gần 4%.
Diễn biến giá vàng phiên 22/4. Ảnh: Kitco.
Nguyên nhân khiến giá vàng lao dốc chủ yếu đến từ loạt phát biểu mang tính trấn an của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Trung Quốc có dấu hiệu hạ nhiệt.
Ngày 21/4, ông Bessent bày tỏ niềm tin rằng căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ dịu lại, dù thừa nhận đàm phán chính thức chưa được nối lại, theo Reuters.
Trong khi đó, Tổng thống Trump tuyên bố "không có ý định sa thải" Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, song khẳng định mong muốn lãi suất được điều chỉnh giảm.
Trước đó, những đe dọa từ ông Trump với Chủ tịch Fed đã khiến giá vàng hôm 22/4 bật tăng hơn 60 USD, chạm đỉnh 3.500 USD/ounce.
Ông cũng thể hiện lạc quan về khả năng đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, giúp "giảm đáng kể" thuế nhập khẩu. Dù vậy, ông nhấn mạnh mức thuế mới sẽ "không về 0%", song cũng "không còn cao như hiện nay".
"Những bình luận này cho thấy căng thẳng Mỹ - Trung Quốc có thể không leo thang thêm, dẫn đến làn sóng bán tháo vàng", Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures nhận định.
Diễn biến này kéo theo chỉ số Dollar Index tăng 0,7% so với rổ tiền tệ chủ chốt, khiến vàng trở nên đắt hơn với người mua không dùng USD. Theo chuyên gia Jim Wyckoff tại Kitco Metals, đây cũng là một trong những yếu tố gây sức ép lên giá kim loại quý.
Dù vậy, tính từ đầu năm, vàng vẫn tăng gần 30% và lập đỉnh 28 lần, nhờ động lực từ các rủi ro thương mại, địa chính trị và lực mua mạnh từ các ngân hàng trung ương.
JPMorgan dự báo xu hướng này sẽ tiếp diễn, đẩy giá vàng vượt mốc 4.000 USD/ounce vào năm tới trong bối cảnh lo ngại suy thoái và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung kéo dài.
Cẩm Tú