Vì sao vàng lao dốc?
Cụ thể, vào lúc 21h15 ngày 23/4, giá vàng giao ngay đã rớt xuống mức 3.259 USD/ounce, giảm hơn 240 USD so với đỉnh 3.500 USD/ounce được thiết lập chỉ vài ngày trước.
Mức giảm gần 7% trong thời gian ngắn đã xóa sạch đà tăng trước đó và khiến nhiều chuyên gia nhận định đây có thể là đỉnh ngắn hạn của thị trường.
Theo Kitco News, nguyên nhân chính khiến giá vàng giảm sâu là do tâm lý ưa rủi ro quay trở lại trên thị trường tài chính quốc tế. Khi căng thẳng địa chính trị tạm lắng và các dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan hơn dự kiến, dòng tiền đã bắt đầu chuyển hướng khỏi các tài sản trú ẩn như vàng.
Bên cạnh đó, kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn cũng khiến USD mạnh lên, gây thêm áp lực lên giá vàng.
Một số chuyên gia còn cho rằng, sau chuỗi tăng dựng đứng, lực bán chốt lời từ giới đầu tư lớn là điều tất yếu, nhất là khi vàng đã tăng tới 20% kể từ đầu năm.
Giá vàng trong nước và dự báo xu hướng sắp tới
Giá vàng miếng SJC trong nước cũng lao dốc theo đà giảm của thế giới. Sáng 23/4, nhiều doanh nghiệp điều chỉnh giá vàng miếng về mức 112 - 114 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm hơn 2 triệu đồng/lượng so với phiên trước đó.
Giá vàng miếng SJC trong nước cũng lao dốc theo đà giảm của thế giới.
Trên thị trường tự do, hoạt động mua bán có phần trầm lắng sau nhiều ngày “sốt vàng”. Một số nhà đầu tư nhỏ lẻ bắt đầu cắt lỗ khi thấy giá không giữ được mốc 115 triệu đồng/lượng.
Giới phân tích hiện chia thành hai luồng ý kiến: một bên cho rằng giá vàng đã lập đỉnh ngắn hạn và có thể tiếp tục điều chỉnh nếu thiếu động lực mới, trong khi bên còn lại tin rằng vàng chỉ đang điều chỉnh kỹ thuật và sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong trung hạn nếu bất ổn địa chính trị và áp lực lạm phát quay trở lại.
Dù kịch bản nào xảy ra, các chuyên gia đều nhấn mạnh: nhà đầu tư nên giữ nguyên tắc đầu tư dài hạn, tránh tâm lý “đu đỉnh” theo đám đông và bám sát diễn biến vĩ mô trước mọi quyết định mua - bán.
Quỳnh Hoa