Trong ngắn hạn, vàng có thể không còn là kênh trú ẩn an toàn cho dòng tiền. Ảnh tư liệu
PV: Giá vàng thế giới và trong nước vẫn đang tiếp tục giảm sâu. Theo ông, đà giảm này sẽ còn kéo dài bao lâu?
Ông Phan Dũng Khánh: Trong những năm gần đây, căng thẳng địa chính trị, kỳ vọng lãi suất hạ, đa dạng hóa các kênh đầu tư, cũng như việc mua vàng liên tục từ các ngân hàng trung ương (NHTW) và định chế tài chính đã góp phần thúc đẩy sức hấp dẫn của vàng, như một nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, chỉ trong một tuần vừa qua, giá vàng giảm sâu và có thể đà giảm còn tiếp tục kéo dài thêm một thời gian nữa, khi mà giá thế giới cũng đang giảm kéo theo giá trong nước.
PV: Việc giá vàng giảm sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế và thị trường tài chính, thưa ông?
Ông Phan Dũng Khánh: Giá vàng suy giảm cho thấy, nhu cầu đầu tư an toàn giảm đi, khi đó những kênh đầu tư mạo hiểm như chứng khoán, bất động sản… sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Dòng tiền sẽ đổ vào các hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều hơn… và cả tiền gửi tiết kiệm cũng trong nhóm an toàn vốn đang có tỷ trọng tiền gửi rất cao (theo số liệu từ hệ thống ngân hàng) cũng có thể chảy sang các kênh chứng khoán tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn hay đổ vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Xu hướng đó sẽ giúp thúc đẩy kinh tế tăng trưởng cũng như góp phần giảm áp lực lên chính sách, giúp chính sách có thể linh hoạt hơn và tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế tốt hơn.
PV: Trong ngắn hạn, vàng có thể không còn là kênh trú ẩn an toàn cho dòng tiền. Tuy nhiên về lâu dài, đây có còn là kênh trú ẩn an toàn hay không, thưa ông?
Ông Phan Dũng Khánh: Trong ngắn hạn, nhu cầu lướt sóng từ vàng sẽ khó khăn hơn với các yếu tố kể trên. Về trung hạn, vàng thế giới vẫn còn đối mặt với áp lực giảm giá, nhưng mức giảm sẽ khó có thể quá sâu bởi nguồn cung của vàng là hữu hạn nhưng cũng khó có thể tăng quá mạnh như thời gian vừa qua. Dĩ nhiên mức độ rủi ro sẽ có đặc biệt là trong ngắn hạn, vì mức tăng trong một năm vừa qua giá vàng đã đạt mức tăng cao hàng đầu trong lịch sử. Chưa kể nếu so sánh với những kênh đầu tư khác như chứng khoán, kể cả chứng khoán Mỹ thì vàng vẫn tăng vượt trội hơn, nên áp lực chốt lời có thể lớn hơn.
Khi nhu cầu trú ẩn an toàn sụt giảm thì dòng tiền từ các kênh an toàn như vàng bị sẽ chuyển sang các kênh rủi ro hơn nằm kỳ vọng mang lại lợi nhuận tốt hơn như chứng khoán, đặc biệt chứng khoán Mỹ tiếp tục lập đỉnh sau đợt bầu cử vừa qua, hoặc một số tài sản khác như Bitcon cũng tăng mạnh.
Còn về dài hạn, tôi cho rằng, vàng vẫn là một kênh đầu tư được nhiều người ưa thích, vẫn là kênh trú ẩn an toàn, đặc biệt khi vàng giảm đến một mức độ nào đó thì lực mua sẽ gia tăng khi các tổ chức, các nhà đầu tư chuyên nghiệp luôn chờ đợi sẵn mức giá tốt.
PV: Theo ông, với sự biến động mạnh của giá vàng thời gian qua, nhà đầu tư nên làm gì lúc này?
Ông Phan Dũng Khánh: Nhà đầu tư không nên tất tay vào vàng trong lúc này, chỉ nên dùng tiền tươi mua với tỷ trọng vừa phải nắm giữ trung dài hạn. Còn lướt sóng thì không nên và cũng không nên sử dụng đòn bẩy.
Nếu mua vàng, chỉ nên dịch chuyển một phần tiền nhàn rỗi, đồng thời có thể mua cả vàng miếng lẫn vàng nhẫn 99,99 và nên nắm giữ trung dài hạn. Việc giải ngân chỉ nên ở những thời điểm giá giảm, không nên đu theo bằng mọi giá. Bởi vì với mức tăng lên tới xấp xỉ 50% trong 1 năm qua (từ cuối 2023) vốn là mức cao hàng đầu lịch sử (tính theo năm) nên rủi ro trở nên rất lớn, khó tránh khỏi những cú sụt giảm ngắn hạn khi những động thái chốt lời trở nên mạnh hơn khiến giá vàng có thể gặp những cú điều chỉnh mạnh trong ngắn hạn.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nếu mua vàng, chỉ nên dịch chuyển một phần tiền nhàn rỗi, đồng thời có thể mua cả vàng miếng lẫn vàng nhẫn 99,99 và nên nắm giữ trung dài hạn. Việc giải ngân chỉ nên ở những thời điểm giá giảm, không nên đu theo bằng mọi giá.
Nguyễn Lạc