Giá vàng trong nước biến động mạnh theo giá vàng thế giới.
Vàng, USD đều tăng giá mạnh
Trong báo cáo thống kê tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và mười tháng năm 2024 công bố sáng ngày 6/11, Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến ngày 27/10/2024, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.693,44 USD/ounce, tăng 4% so tháng trước do tình hình căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông ngày càng nghiêm trọng.
Ngoài ra, xung đột kéo dài giữa Nga-Ukraine và những biến động ở bán đảo Triều Tiên đã làm gia tăng lo ngại về bất ổn chính trị toàn cầu. Cùng với đó, việc các ngân hàng trung ương lớn như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục thực hiện các chính sách nới lỏng tiền tệ đã góp phần thúc đẩy đà tăng của giá vàng.
Trong bối cảnh đó, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 10/2024 tăng 5,96% so tháng trước; tăng 29,97% so tháng 12/2023 và tăng 38,88% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mười tháng năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 27,48%.
Chỉ số giá đồng USD cũng biến động mạnh. Tính đến ngày 27/10/2024, chỉ số giá đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 102,88 điểm, tăng 1,91% so tháng trước do dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan hơn dự báo, cùng với rủi ro địa chính trị leo thang ở các điểm nóng trên toàn cầu cũng là nhân tố thúc đẩy sự tăng giá của đồng USD.
Trong nước, giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 25.050 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 10/2024 tăng 0,7% so tháng trước; tăng 2,41% so tháng 12/2023 và tăng 1,89% so cùng kỳ năm trước. Bình quân mười tháng năm 2024, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 5,1%.
Mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% hoàn toàn khả thi
Thông tin về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của 11 nhóm hàng hóa thiết yếu, Tổng cục Thống kê cho biết, bình quân mười tháng năm 2024, CPI tăng 3,78% so cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,69%.
Trong tháng 10/2024, giá lương thực, thực phẩm tiếp tục tăng do ảnh hưởng bởi mưa bão, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, giá nhà ở thuê tăng là những nguyên nhân chính làm CPI tăng 0,33% so tháng trước, tăng 2,52% so tháng 12/2023 và tăng 2,89% so cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: Nhóm giao thông tăng mạnh nhất với mức tăng 0,66%, tác động làm CPI chung tăng 0,06 điểm phần trăm. Nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng của các đợt tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,55%,tác động làm CPI chung tăng 0,18 điểm phần trăm. Trong đó, lương thực tăng 0,77%; thực phẩm tăng 0,66%, tác động tăng 0,14 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,19%.
Trong tháng 10/2024, một số địa phương thực hiện chính sách miễn giảm học phí nhằm hỗ trợ cho người dân chịu ảnh hưởng của bão, lũ như Quảng Ninh, Hà Giang, Yên Bái... Tuy nhiên trong cả nước, một số trường mầm non tư thục, cao đẳng, nghề, trung cấp, đại học, sau đại học tăng học phí theo lộ trình khiến nhóm giáo dục tăng 0,48%.
Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,26%. Trong đó, giá đồ trang sức tăng 4,67% theo giá vàng trong nước; dịch vụ chăm sóc người già tăng 0,69%; sửa chữa đồng hồ đeo tay tăng 0,51%; dịch vụ chăm sóc cá nhân tăng 0,46%; dịch vụ vệ sinh môi trường tăng 0,4%.
Một số nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng nhẹ: Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,2% do nhu cầu tiêu dùng tăng và nhiều chương trình khuyến mại tại một số địa phương đã kết thúc; đồ uống và thuốc lá tăng 0,11% do chi phí nhân công và tỷ giá tăng; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,11%. Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,09% do nhu cầu mua sắm tăng khi thời tiết chuyển mùa; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,09%.
Riêng nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,05% nhờ các phụ kiện máy điện thoại thông minh và máy tính bảng giảm giá...
Bình quân mười tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,69% so cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,78%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong 2 tháng cuối năm vẫn ẩn chứa một số yếu tố rủi ro diễn biến phức tạp, có thể ảnh hưởng đến lạm phát, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung theo dõi để có giải pháp ứng phó kịp thời. Đó là rủi ro về thiên tai, thời tiết bất lợi có thể tác động làm tăng giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương.
Đồng thời, theo quy luật, vào các tháng cuối năm và dịp Tết, giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình thường tăng do nhu cầu tiêu dùng tăng cao.
Đến nay đã có thể nhận thấy, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 dưới 4,5% như Quốc hội đã quyết nghị là hoàn toàn khả thi. Nếu không có yếu tố đột biến, lạm phát có thể được kiềm chế dưới 4% như quyết tâm của Chính phủ.
TÔ HÀ