Ảnh minh họa.
Chỉ trong hai ngày đầu tiên sau Tết, giá vàng trong nước đã bật tăng mạnh, kéo theo sự quan tâm ngày càng lớn của người dân khi ngày Thần Tài cận kề. Đáng chú ý, giá vàng miếng SJC đã tăng gần 2 triệu đồng mỗi lượng trong khoảng thời gian ngắn này.
Chốt phiên giao dịch ngày 4/2, tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng miếng SJC niêm yết 90,1 triệu đồng/lượng. Giá mua vào 87,6 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn 9999 bán ra tại Công ty SJC bán ra 89,6 triệu đồng/lượng, mua vào 87,6 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, tại Công ty PNJ, giá bán vàng miếng SJC ở mức 90,1 triệu đồng/lượng, giá mua vào 87,6 triệu đồng/lượng. Vàng nhẫn trơn 9999 tại Công ty PNJ bán ra 89,9 triệu đồng/lượng, mua vào 88,3 triệu đồng/lượng.
Còn tại công ty Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn bán ra ở mức 90,05 triệu đồng/lượng, giá mua vào 88,1 triệu đồng/lượng.
Tương tự Bảo Tín Minh Châu, vàng nhẫn tại nhiều đơn vị cũng niêm yết vượt 90 triệu đồng/lượng, ngấp nghé so với vàng miếng SJC. Đây là mức giá mà nhiều người không thể ngờ, khi giá vàng nhẫn gần bằng với vàng miếng.
Dự báo, giá vàng trong nước sẽ còn tăng mạnh trong một vài ngày tới khi nhu cầu mua tăng cao trong dịp Vía Thần tài. Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo, người dân nên thận trọng bởi giá vàng trong nước đã tăng quá cao trước đó. Có thể, đến đúng ngày Vía Thần tài ngày Mồng 10 tháng Giêng năm Ất Tỵ (tức 7/2) giá vàng sẽ có thể quay đầu giảm mạnh.
Tại thị trường thế giới, giá vàng giao dịch lức 6h (theo giờ Việt Nam), ở mức 2.842 USD/ounce, tăng mạnh hơn 28 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Giá vàng tăng sau khi Mỹ áp mức thuế 10% lên hàng hóa nhập từ Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 4/2. Đồng thời, Bộ Tài chính Trung Quốc cũng tuyên bố áp thuế 15% lên than và khí hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Mỹ, áp 10% thuế đối với dầu thô, thiết bị nông nghiệp và một số loại ô tô của Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc. Hiệu lực áp thuế mới của Trung Quốc lên hàng hóa của Mỹ bắt đầu từ 10/2.
Cùng với đó, Trung Quốc còn triển khai các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các nguyên liệu phục vụ sản xuất như tungsten, tellurium, ruthenium, molybdenum và các sản phẩm liên quan tới ruthenium. Lý do mà Trung Quốc đưa ra là nhằm bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia.
Theo giới phân tích, các sự kiện giữa 2 nền kinh tế lớn nhất – nhì thế giới sẽ khiến chuỗi hàng hóa cung ứng toàn cầu có thể bị gián đoạn hoặc luân chuyển chậm lại, do đó giá cả hàng hóa leo thang. Điều này sẽ đẩy lạm phát gia tăng trở lại, khiến các ngân hàng trung ương khó kiểm soát, trong đó có Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Căng thẳng thương mại leo thang có thể còn khiến cho nền kinh tế Trung Quốc chưa kịp phục hồi tốt đã phải suy yếu sớm. Việc đáp trả thuế lẫn nhau của các nền kinh tế lớn trên thế giới, giới chuyên gia cho rằng điều này không mang lại lợi ích cho kinh tế toàn cầu mà có thể nó sẽ khiến cho các nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Thanh Hà