Giá vàng tăng gần 40% trong nửa năm, diễn biến ra sao?

Giá vàng tăng gần 40% trong nửa năm, diễn biến ra sao?
8 giờ trướcBài gốc
Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến ngày 28/6, bình quân giá vàng thế giới ở mức 3.369,73 USD/ounce, tăng 1,93% so với tháng 5/2025. Giá vàng tháng 6/2025 tăng chủ yếu do tác động kết hợp của bất ổn địa chính trị tại khu vực Trung Đông, cùng với sức mua từ ngân hàng Trung ương và các quỹ đầu tư vàng tăng.
Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 6/2025 giảm 1,27% so với tháng 5/2025; tăng 48,01% so với cùng kỳ năm trước; tăng 33,54% so với tháng 12/2024. Bình quân quý II/2025 tăng 43,62% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2025, chỉ số giá vàng tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2024.
Biểu đồ giá từ đầu năm cho thấy, từ đầu tháng 1, giá vàng bắt đầu tăng đều và liên tục, đặc biệt tăng vọt từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5. Thời điểm cao nhất, giá SJC chạm mốc 124 triệu đồng/lượng. Theo đó, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng thế giới quy đổi có xu hướng tăng mạnh.
Giá tăng 40% giúp vàng đạt hiệu suất đầu tư vượt chứng khoán, gửi tiết kiệm…
Cụ thể, đầu tháng 1, giá vàng thế giới quy đổi khoảng 81-82 triệu đồng/lượng, còn giá vàng SJC khoảng 85 triệu đồng/lượng, mức chênh chỉ khoảng 3-4 triệu đồng. Đến cuối tháng 4, giá vàng SJC đạt mức kỷ lục mới khi chạm mốc 124 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank là 108,4 triệu đồng mỗi lượng, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức hơn 12 triệu đồng.
Sang đầu tháng 5, giá vàng SJC giảm nhẹ, vượt 122 triệu đồng/lượng, nhưng khoảng cách chênh lệch với giá vàng thế giới nới rộng tới hơn 15 triệu đồng/lượng. Sau đó, mức chênh lệch này dù giảm nhưng vẫn duy trì hơn 10 triệu đồng/lượng.
Tính chung đến hết tháng 6, giá vàng SJC giao dịch trong khoảng 120 triệu đồng/lượng, tức tăng khoảng 35 triệu đồng, tương đương hơn 40% chỉ trong vòng nửa năm. Tuy giá vàng thế giới cũng tăng mạnh nhưng biên độ thấp hơn và vẫn thấp hơn đáng kể so với giá vàng SJC trong nước.
Ông Jeetendra Khadan, chuyên gia kinh tế cấp cao và bà Kaltrina Temaj, Nhà nghiên cứu phân tích thuộc Nhóm Triển vọng của Ngân hàng Thế giới (WB), nhận định: “Giá kim loại quý đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục trong nửa đầu năm 2025, sau mức tăng 20% trong năm 2024. Đợt tăng giá được dẫn dắt bởi vàng, khi giá vàng tiến sát mức đỉnh lịch sử vào giữa tháng 6 giữa lúc căng thẳng địa chính trị leo thang và bất ổn kinh tế gia tăng. Bạc và bạch kim cũng ghi nhận mức tăng mạnh, với giá dự kiến sẽ duy trì ở mức cao trong suốt năm 2025 và 2026".
Các chuyên gia cho biết thêm, trong 6 tháng đầu năm 2025, giá vàng đã tăng gần 25%. Những đợt tăng giá gần đây chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ trong bối cảnh bất ổn chính sách kéo dài và căng thẳng địa chính trị gia tăng. Lượng vốn đổ vào các quỹ ETF vàng đã phục hồi mạnh mẽ trong quý I/2025, đẩy nhu cầu đầu tư lên mức cao nhất kể từ năm 2022. Hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương tiếp tục hỗ trợ giá, phản ánh chiến lược quản lý dự trữ ngoại hối.
Theo dữ liệu đến hiện tại, giá bán ra của vàng miếng SJC đang ở quanh 120-121 triệu đồng/lượng, nhẫn trơn ở mức 116 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới quy đổi cũng lên tới 106,4 triệu đồng/lượng.
Nếu một nhà đầu tư mua vàng miếng SJC vào ngày đầu năm với giá 85 triệu đồng/lượng, sau nửa năm, họ tạm lãi gần 33 triệu đồng/lượng, tương đương gần 40%, mức sinh lời cao so với nhiều kênh đầu tư khác trong cùng giai đoạn.
Ngược lại, nếu mua vàng ở đỉnh giá khoảng 124 triệu đồng/lượng vào cuối tháng 4, và nắm giữ đến thời điểm hiện tại, người mua đã lỗ khoảng 6,2 triệu đồng/lượng. Mức lỗ chưa quá lớn, nhưng cho thấy rủi ro của việc mua vào khi thị trường tăng nóng.
Trong tháng 6, giá vàng trong nước ngược chiều với xu hướng thế giới khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, nhằm cập nhật khái niệm, mở rộng phạm vi điều chỉnh, siết điều kiện cấp phép và tăng cường giám sát các hoạt động liên quan đến vàng miếng, vàng nguyên liệu và vàng trang sức mỹ nghệ.
Phạm vi điều chỉnh được bổ sung hoạt động sản xuất vàng miếng do sẽ xóa bỏ việc độc quyền Nhà nước về sản xuất vàng miếng.
Tại công điện ngày 6/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng phù hợp, kịp thời, hiệu quả; khẩn trương trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trước ngày 15/7/2025.
Giá vàng thế giới vẫn được dự báo sẽ duy trì ở mức rất cao so với trước đây, ước tính cao hơn khoảng 150% so với mức trung bình trong giai đoạn 2015 - 2019, và kéo dài trong cả hai năm 2025 và 2026. Các chuyên gia của WB cho biết rủi ro giá còn tiếp tục tăng vẫn lớn, vì những căng thẳng địa chính trị sẽ tiếp tục là yếu tố gây bất ổn chính. “Giá vàng được dự báo sẽ tăng khoảng 35% trong năm 2025 (so với cùng kỳ năm trước), trước khi hạ nhiệt nhẹ trong năm 2026 khi một phần bất ổn dần giảm bớt", chuyên gia WB nhận định.
Do đó, giới phân tích trong nước cho rằng Nghị định sửa đổi Nghị định số 24 cần sớm có hiệu lực để ổn định thị trường vàng trong thời gian tới.
Huyền Anh
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//tien-te/gia-vang-tang-gan-40-trong-nua-nam-dien-bien-ra-sao-1107974.html