Vàng miếng được bán tại Dublin, Ireland. Ảnh: AFP/TTXVN
Với vai trò là tài sản an toàn truyền thống, vàng được tích trữ như một công cụ bảo vệ trước những rủi ro tài chính và sự bất ổn của hệ thống kinh tế quốc tế.
Trong năm 2024, giá vàng đã tăng ấn tượng 35%, vượt xa mức tăng trưởng của nhiều chỉ số chứng khoán lớn. Đặc biệt, giá vàng đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 2.800 USD/ounce, với các dự báo lạc quan rằng mức 3.000 USD/ounce sẽ được chinh phục vào cuối năm 2025. Sự tăng giá mạnh mẽ này được thúc đẩy bởi hai yếu tố chính: lãi suất toàn cầu giảm và lo ngại ngày càng gia tăng về một trật tự tài chính mới, nơi vị trí thống trị của đồng USD đang bị thách thức.
Các ngân hàng trung ương, đặc biệt ở những quốc gia đối mặt với nguy cơ bị áp đặt các biện pháp trừng phạt từ Mỹ, đã trở thành những nhà tích trữ vàng hàng đầu. Trung Quốc kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, đã mua thêm hơn 316 tấn vàng. Các quốc gia như Nga, Ấn Độ và nhiều nước Trung Đông, Trung Á cũng đẩy mạnh dự trữ kim loại quý này. Tại châu Âu, Ngân hàng Quốc gia Hungary đã nối lại hoạt động mua vàng từ tháng 9 năm nay - sau một thời gian dài tạm dừng giao dịch, đồng thời nhấn mạnh vai trò của vàng trong việc duy trì ổn định tài chính và củng cố niềm tin quốc gia.
Những thách thức tài chính không chỉ giới hạn ở các quốc gia đang phát triển mà còn đang tác động mạnh mẽ đến các nền kinh tế phát triển hàng đầu. Tại Mỹ, nợ công đã vượt 124% GDP, làm suy giảm lòng tin vào trái phiếu kho bạc Mỹ - một trụ cột của dự trữ ngoại hối toàn cầu. Trước tình hình này, nhiều quốc gia đã chủ động đa dạng hóa dự trữ quốc tế, từng bước giảm sự phụ thuộc vào các tài sản định giá bằng đồng USD. Xu hướng dịch chuyển chiến lược này không chỉ phản ánh sự thay đổi trong cấu trúc tài chính toàn cầu mà còn củng cố thêm vai trò quan trọng của vàng như một tài sản an toàn hàng đầu.
Đồng thời, sự gia tăng tích trữ vàng của các ngân hàng trung ương đã kích hoạt tâm lý lạc quan trên thị trường. Các nhà đầu tư cá nhân vốn luôn coi vàng là tài sản an toàn, đã tăng cường lượng mua vào. Theo dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ cho thấy, lượng hợp đồng vàng đã tăng gấp ba lần trong năm qua, đạt mức cao nhất kể từ thời điểm đại dịch bùng phát.
Vàng không chỉ là một tài sản tài chính mà còn phản ánh lòng tin và sự ổn định trong bối cảnh các hệ thống kinh tế truyền thống ngày càng bị hoài nghi. Vai trò của vàng càng được khẳng định rõ ràng hơn khi các khối kinh tế mới nổi như BRICS đang nỗ lực xây dựng các cơ chế tài chính độc lập để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Với tính trung lập và giá trị bền vững, vàng tiếp tục giữ vững vị thế quan trọng trong một hệ thống tài chính toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ.
Sự gia tăng giá vàng không chỉ phản ánh những bất ổn kinh tế mà còn cho thấy sự chuyển dịch sâu sắc trong cấu trúc quyền lực của hệ thống tài chính toàn cầu. Trong bối cảnh thế giới đối mặt với những biến động lớn, vàng đã trở thành lựa chọn ưu tiên hàng đầu để đầu tư và tích trữ.
Hoàng Anh/Báo Tin tức (Theo politico.eu)