Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Giá vàng thế giới duy trì xu hướng phục hồi mạnh do nhu cầu phòng ngừa rủi ro gia tăng khi xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine nóng lên. Ngay cả việc đồng USD tăng giá cũng không cản được đà tăng này của giá kim loại quý.
Lúc đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Tư (20/11) tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 18,8 USD/oz so với mức chốt của phiên trước, tương đương tăng hơn 0,7%, đạt 2.650,6 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Hơn 9h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 3,7 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ, tương đương tăng 0,14%, giao dịch ở mức 2.654,3 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương 81,6 triệu đồng/lượng, tăng 600.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Tuần này, giá vàng thế giới quy đổi đã tăng 2,5 triệu đồng/lượng, sau khi giảm hơn 5 triệu đồng/lượng trong 2 tuần trước.
Vietcombank lúc đầu giờ sáng báo giá USD ở mức 25.170 đồng (mua vào) và 25.504 đồng (bán ra).
Giá vàng giao ngay đang ở mức cao nhất 1 tuần, nhờ nhu cầu phòng ngừa rủi ro của giới đầu tư.
Ngày thứ Tư, Ukraine phóng một loạt tên lửa hành trình British Storm Shadow vào Nga. Đây là loại vũ khí phương Tây mới nhất Ukraine được phép sử dụng để nhằm vào các mục tiêu Nga, sau khi Ukraine dùng tên lửa tầm xa US ATACMS của Mỹ để tấn công Nga vào ngày hôm trước. Hôm thứ Hai, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân để phản ứng với các cuộc tấn công bên ngoài nhằm vào lãnh thổ Nga.
“Rõ ràng, xung đột nóng lên đang thúc đẩy nhu cầu đối với các tài sản an toàn… Nhưng đồng USD mạnh vẫn sẽ là một trở ngại đối với sự tăng giá của vàng”, chiến lược gia Peter Grant của công ty Zaner Metals nhận định với hãng tin Reuters.
Đồng USD tăng giá trong phiên ngày thứ Tư, với chỉ số Dollar Index chốt phiên ở mức 106,68 điểm, từ mức 106,28 điểm của phiên trước. Tuần trước, chỉ số có lúc đạt mức hơn 107 điểm, cao nhất 1 năm.
Đang có hai động lực cho xu hướng tăng giá của USD. Động lực thứ nhất là đồng bạc xanh đang phát huy vai trò phòng ngừa rủi ro tương tự như vàng, và thứ hai là kỳ vọng của giới đầu tư rằng các chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump trong 4 năm cầm quyền sắp tới sẽ khiến lạm phát và lãi suất ở Mỹ cao hơn.
Do vàng được định giá bằng USD trong giao dịch quốc tế, xu hướng tăng của USD đã gây áp lực giảm mạnh lên giá vàng. Tuần trước, giá vàng có tuần giảm mạnh nhất hơn 3 năm khi đồng USD đạt mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.
Dollar Index hiện đã tăng hơn 2% kể từ khi ông Trump tái đắc cử trong cuộc bầu cử hôm 5/11.
“Không có lý do gì để bán USD vào lúc này”, nhất là khi nhà đầu tư đang tính đến khả năng Fed có thể không hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 12 - theo nhà phân tích cấp cao Matt Simpson của công ty City Index.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, khả năng Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tới đã giảm về mức 52%, trong khi khả năng Fed không hạ lãi suất tăng lên mức 48%. Cách đây 1 tuần, khả năng Fed giảm lãi suất tại cuộc họp này còn ở mức trên 80%.
Diễn biến giá vàng thế giới 6 tháng qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading Economics.
Phát biểu của hai thống đốc Fed là bà Michelle Bowman và bà Lisa Cook vào ngày thứ Tư không đưa ra tín hiệu rõ ràng nào về đường đi của lãi suất trong thời gian tới. Một vị đề cập tới mối lo về sự dai dẳng của lạm phát, trong khi vị còn lại bày tỏ tin tưởng rằng áp lực giá cả sẽ tiếp tục giảm xuống.
“Nếu Fed tạm dừng việc hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 12, điều đó sẽ gây áp lực giảm lên giá vàng. Nhưng chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed, sự bất định về kinh tế vĩ mô và địa chính trị, cùng nhu cầu vàng vật chất còn cao sẽ tíep tục hỗ trợ tâm lý trên thị trường vàng”, một báo cáo của ngân hàng ANZ nhận định.
Điệp Vũ