Trung Quốc vừa phát hiện trữ lượng vàng trị giá 600 tỷ nhân dân tệ, tương đương 82,9 tỷ USD, tại huyện Bình Giang, tỉnh Hồ Nam. Đây là một trong những mỏ vàng lớn nhất được phát hiện ở quốc gia này.
Vàng tăng trở lại trên mức 2.700 đô la sau một phát hiện lớn ở Trung Quốc. Ảnh: GoldPrice
Theo Hội đồng Vàng Thế giới, Trung Quốc – quốc gia sản xuất vàng lớn nhất thế giới - chiếm khoảng 10% sản lượng toàn cầu năm 2023. Trong ba quý đầu năm nay, Trung Quốc tiêu thụ 741.732 tấn vàng nhưng chỉ sản xuất được 268.068 tấn, buộc nước này phải nhập khẩu một lượng lớn vàng để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Thông tin này, cùng với những căng thẳng địa chính trị gia tăng, đã góp phần đẩy giá vàng vượt ngưỡng 2.700 USD/ounce, tiệm cận mức cao kỷ lục.
Theo Học viện Địa chất Hồ Nam, tại khu vực khai thác chính, đã phát hiện hơn 40 mạch vàng ở độ sâu trên 2.000 mét, với tổng trữ lượng khoảng 300,2 tấn. Họ dự báo, ở độ sâu trên 3.000 mét, trữ lượng vàng có thể vượt 1.000 tấn.
2 yếu tố cơ cấu ảnh hưởng đến giá vàng
Các nhà phân tích từ Barclays nhận định, mối quan hệ giữa vàng và các yếu tố cơ bản vẫn duy trì ổn định, nhưng lãi suất cao kéo dài tại Mỹ đang làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý này trong ngắn hạn.
Dù vậy, sự thay đổi cơ cấu trong nhu cầu vẫn đang hỗ trợ giá vàng trong dài hạn.
“Tưởng chừng vàng đã mất mối liên hệ với lợi suất thực và đồng USD, nhưng thực tế không phải vậy. Mối tương quan vẫn chặt chẽ, dù mức độ nhạy cảm đã giảm kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất”, các nhà phân tích nhận định.
Ngoài ra, sau xung đột Nga-Ukraine , nhu cầu từ các ngân hàng trung ương toàn cầu, nhằm đa dạng hóa tài sản dự trữ đã đưa mức tiêu thụ vàng lên một nền tảng cao hơn. Nhu cầu từ hộ gia đình tại các thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, cũng góp phần vào đà tăng giá.
Rủi ro địa chính trị và thâm hụt tài chính kéo dài trong thời kỳ hậu COVID-19 tiếp tục củng cố vị thế của vàng như một tài sản trú ẩn an toàn.
Triển vọng tương lai
Nhiều ngân hàng lớn như Goldman Sachs, Citi, ANZ và Commerzbank đã điều chỉnh dự báo giá vàng do lo ngại về khả năng xảy ra khủng hoảng ngân hàng. Goldman Sachs từng dự báo giá vàng sẽ ổn định ở mức khoảng 1.970 USD/ounce từ năm 2023 đến 2026, nhưng sau đó nâng dự báo 12 tháng lên 2.050 USD/ounce.
Theo Bloomberg, dự đoán giá vàng vào năm 2025 dao động từ 1.709 USD đến 2.728 USD/ounce. Các chuyên gia của Bloomberg cũng kỳ vọng cả vàng và Bitcoin hay còn được gọi là “đối tác kỹ thuật số” của vàng, sẽ tăng giá vào năm 2025.
Kể từ khi Fed bắt đầu chu kỳ thắt chặt lãi suất năm 2015, giá vàng đã tăng 84%. Một số dự báo thậm chí cho rằng vàng có thể đạt 7.000 USD/ounce vào năm 2025.
Dù vậy, việc dự báo giá vàng trong vài thập kỷ tới rất khó khăn, do ảnh hưởng từ các yếu tố như lạm phát, sức mạnh đồng USD, lãi suất của các ngân hàng trung ương và sự thay đổi trong cung tiền. Các tổ chức lớn như Bloomberg thường chỉ đưa ra dự báo ngắn hạn, bởi thị trường hàng hóa có tính biến động cao.
Dẫu đối mặt với nhiều thách thức, một số kịch bản về giá vàng từ năm 2030 đến 2050 vẫn cho thấy khả năng tăng mạnh. Một số dự đoán cho rằng giá vàng có thể chạm mốc 10.000 USD/ounce và cùng Bitcoin thay thế đồng USD. Ngoài ra, vàng có thể đối mặt với nguy cơ thiếu nguồn cung vào năm 2050 do nhu cầu ngày càng tăng cao.
Dũng Phan (Theo CCN)