Giá vàng thế giới bất ngờ giảm về vùng 3.100 USD/ounce trong phiên giao dịch đêm qua (giờ Việt Nam). Ảnh: Reuters.
Chốt phiên giao dịch tại thị trường Mỹ ngày 1/4, giá vàng giao ngay tạm dừng ở mức 3.112 USD/ounce, tức giảm hơn 10 USD/ounce so với phiên trước. Tuy nhiên, nếu so với mức cao nhất ghi nhận được trong phiên, giá đóng cửa của kim loại quý đã giảm hơn 30 USD/ounce. Trong phiên giao dịch hôm qua, có thời điểm giá vàng thế giới còn giảm về sát ngưỡng 3.100 USD, tuy nhiên, dòng tiền bắt đáy đã giúp kim loại quý giữ vững mốc giá quan trọng này.
Diễn biến giá vàng thế giới gần đây. Ảnh: Kitco.
Xu hướng đảo chiều bất ngờ của giá vàng xuất phát từ việc thị trường giảm bớt lo ngại về nguy cơ suy thoái khi Mỹ và châu Âu công bố dữ liệu kinh tế khả quan.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Mỹ trong tháng 3 đạt 50,2 điểm, vượt dự báo 49,8 điểm và đánh dấu sự mở rộng trở lại của lĩnh vực sản xuất. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tại châu Âu giảm xuống còn 6,1% trong tháng 2, tốt hơn mức dự báo 6,2%.
Tuy vậy, trong phiên giao dịch đang diễn ra, giá vàng thế giới giao ngay đã phục hồi trở lại vùng trên 3.130 USD/ounce.
Theo Reuters, dù chịu áp lực điều chỉnh giảm, giá vàng vẫn được hỗ trợ bởi những yếu tố vĩ mô khác. Hôm nay, Mỹ cũng sẽ công bố các mức thuế đối ứng lên hàng hóa nhập khẩu, dẫn đến nguy cơ căng thẳng thương mại leo thang.
Một số quốc gia đã cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy giá cả hàng hóa leo thang và có thể khiến lạm phát gia tăng. Điều này có thể hạn chế đà giảm của vàng hoặc thậm chí đẩy giá kim loại quý này tăng trở lại.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, nền kinh tế Mỹ vẫn có nguy cơ suy thoái với xác suất được Goldman Sachs nâng lên 35% từ mức 20%. Trong bối cảnh lãi suất có thể tiếp tục giảm, vàng - tài sản không sinh lãi - vẫn có cơ hội hưởng lợi.
Những biến động của giá vàng trong thời gian tới phụ thuộc nhiều vào dữ liệu kinh tế và chính sách tài chính của Mỹ. Theo ông Peter Grant, Phó chủ tịch kiêm chiến lược gia cấp cao tại Zaner Metals, thị trường vàng đang trải qua một "cơn bão hoàn hảo", nơi cả yếu tố kỹ thuật lẫn yếu tố cơ bản đều tác động mạnh đến giá kim loại quý.
Theo giới phân tích, giá các kim loại quý có thể tiếp tục chịu áp lực nếu dữ liệu việc làm và kinh tế Mỹ cho thấy sự tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, nếu xuất hiện dấu hiệu suy thoái hoặc căng thẳng địa chính trị gia tăng, giá vàng và các kim loại quý có thể quay đầu tăng trở lại do nhu cầu trú ẩn an toàn.
Dù vậy, giới phân tích khuyến nghị nhà đầu tư nên theo dõi sát các số liệu sắp được công bố để đưa ra quyết định hợp lý, tránh rủi ro khi thị trường biến động mạnh. Dù vàng có thể điều chỉnh giảm trong ngắn hạn, xu hướng dài hạn vẫn phụ thuộc vào bức tranh kinh tế tổng thể và chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Phương Linh