Giá vàng thế giới giảm hơn 13 USD/ounce trong phiên 14/7. Ảnh: Reuters.
Chốt phiên giao dịch ngày 14/7, giá vàng thế giới giao ngay giảm hơn 13 USD, xuống còn 3.342 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 23/6. Đầu phiên, kim loại quý từng áp sát mốc 3.370 USD/ounce, nhưng nhanh chóng lao dốc về cuối phiên.
Chỉ số USD Index hiện ở mức cao nhất trong gần 3 tuần, khiến vàng, vốn được định giá bằng đồng bạc xanh, trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ tiền tệ khác.
Bên cạnh đó, hoạt động chốt lời sau nhịp tăng mạnh cũng gây sức ép lên giá. "Tuy thị trường đang chứng kiến làn sóng chốt lời, nhu cầu mua vàng vẫn được duy trì ở mức cao", ông Bart Melek, Giám đốc chiến lược hàng hóa tại TD Securities, nhận định.
Diễn biến giá vàng thế giới ngày 14/7. Ảnh: Kitco.
Ngoài ra, giới đầu tư đang theo dõi sát diễn biến đàm phán thương mại trước hạn chót 1/8, cùng với các dữ liệu kinh tế quan trọng từ Mỹ để tìm manh mối về định hướng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ được công bố ngày 15/7 và chỉ số giá sản xuất (PPI) vào thứ Tư. "Tổng thống Mỹ liên tục bày tỏ mong muốn Fed hạ lãi suất. Đây là một trong những yếu tố có lợi cho vàng", ông Melek nói thêm.
Đáng chú ý, châu Âu và Hàn Quốc thông báo đang đẩy nhanh các thỏa thuận thương mại với Mỹ, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 30% lên phần lớn hàng hóa nhập khẩu từ EU và Mexico kể từ đầu tháng sau. Động thái này nối dài chuỗi cảnh báo áp thuế đối với nhiều quốc gia khác như Nhật Bản và Hàn Quốc.
Dù giá vàng vừa trải qua một tuần tăng, giới chuyên gia và nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng với đà tăng của giá vàng tuần này. Theo khảo sát hàng tuần của Kitco News, trong số 15 chuyên gia Phố Wall, chỉ 47% dự đoán giá sẽ tiếp tục đi lên, 7% cho rằng sẽ giảm và 47% còn lại nhận định giá sẽ đi ngang.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giữ nguyên ở mức 38 USD/ounce sau chạm đỉnh kể từ tháng 9/2011 trong phiên. Theo ông Nitesh Shah, chiến lược gia hàng hóa tại WisdomTree, nguồn cung bạc đang sụt giảm trong khi nhu cầu, đặc biệt từ ngành năng lượng mặt trời, tiếp tục tăng mạnh. "Giá bạc đang bắt kịp đà tăng của vàng, với tỷ lệ giá vàng/bạc tiến gần mốc 86", ông cho biết.
Ngược lại, giá bạch kim giảm 1,5% xuống còn 1.379 USD/ounce, còn palladium lao dốc 1,9% xuống 1.192 USD/ounce, sau khi cả 2 từng chạm mức cao nhất trong hơn 8 tháng vào đầu phiên.
Trong nước, giá vàng miếng và vàng nhẫn cũng điều chỉnh giảm. Cụ thể, vàng miếng SJC hiện được niêm yết ở mức 119,1 - 121,1 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 400.000 đồng so với phiên liền trước. Vàng nhẫn 99,99 loại 1-5 chỉ cũng lùi về mức 114,6 - 117,1 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa hai chiều giao dịch duy trì quanh mức 2 triệu đồng/lượng.
Cẩm Tú