Chốt phiên giao dịch 9/12, giá vàng thế giới giao động, nhảy vọt lên mức 2.659 USD. Thậm chí, có thời điểm giá vàng lên sát mốc 2.680 USD - cao nhất 2 tuần qua, khiến nhiều nhà đầu tư đứng ngồi không yên.
Hai làn sóng chính đẩy giá vàng lên cao ngất ngưởng
Ngay sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ra tín hiệu sẽ tiếp tục mua vàng, chấm dứt chuỗi 6 tháng dừng giao dịch dòng kim loại quý này do ảnh hưởng của việc giá vàng lên quá cao, vàng quay đầu tăng giá đột ngột khiến nhiều người bất ngờ. Trung Quốc khẳng định việc quay trở lại mua vàng nằm trong các biện pháp chính sách tài khóa tích cực, chủ động và chính sách tiền tệ nới lỏng vừa phải để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Khách hàng thử một chiếc vòng tay bằng vàng tại một cửa hàng trang sức ở Trùng Khánh - Trung Quốc.
Giới chuyên gia khẳng định thêm, quyết định tăng lượng vàng nắm giữ, đặc biệt là sau cuộc bầu cử tại Mỹ, phản ánh cách tiếp cận chủ động của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nhằm bảo vệ sự ổn định kinh tế trong bối cảnh điều kiện toàn cầu đang thay đổi. Bart Melek, Giám đốc chiến lược hàng hóa tại TD Securities, nhận định: “Yếu tố quan trọng nhất là thông tin Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc báo cáo rằng họ đã tiếp tục mua vàng trở lại sau quãng nghỉ 6 tháng. Thị trường kỳ vọng các ngân hàng trung ương khác cũng sẽ làm điều tương tự, khôi phục lực mua kỷ lục”.
Theo một báo cáo gần đây của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương trên toàn cầu mua ròng 60 tấn vàng trong tháng 10, mức mua ròng cao nhất của khối này kể từ đầu năm tới nay. Trong đó, lượng mua nhiều nhất thuộc về Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) với 27 tấn, tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan, tương ứng 17 tấn và 18 tấn. Hoạt động giao dịch mạnh mẽ trong mảng kim loại quý của các ngân hàng trung ương đóng vai trò chính trong việc hỗ trợ đà tăng kỷ lục của giá vàng trong năm nay, đưa kim loại này tiến tới năm hoạt động tốt nhất kể từ năm 2010 với mức tăng hơn 28% cho đến nay.
Song song với đó, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) đã bắt đầu chu kỳ nới lỏng lãi suất của mình bằng một đợt cắt giảm 50 điểm cơ bản bất thường vào tháng 9, sau đó là đợt cắt giảm 25 điểm cơ bản vào tháng 11. Các nhà giao dịch đang định giá 87% khả năng ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp ngày 17/12 - 18/12.
Tuy nhiên, nhà phân tích Rhona O’Connell của StoneX cho biết việc Fed tạm dừng và đưa ra các thông điệp thận trọng là yếu tố tạo ra áp lực trực tiếp khiến giá vàng sẽ giảm trong ngắn hạn. Bà O’Connell khẳng định thêm: "Còn trong trung hạn, tác động từ bất ổn địa chính trị và tình hình khó khăn tại nhiều ngân hàng sẽ lấn át các yếu tố bất lợi cho vàng".
Bất ổn địa chính trị tác động giá vàng
Sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad ở Syria khiến thế giới thêm phần lo ngại về tình hình ở Trung Đông. Các cuộc không kích của Mỹ và Israel đã được tiến hành, nhằm vào hàng chục mục tiêu quân sự ở Syria nhằm ngăn chính quyền mới của nước này tiếp cận với các kho vũ khí và đạn dược. Những diễn biến này thúc đẩy nhu cầu nắm giữ vàng - một “hầm trú ẩn” truyền thống.
Ngoài ra, cuộc khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc đang đẩy thị trường chứng khoán và tỷ giá đồng won sụt giảm có thể tác động mạnh mẽ đến kinh tế cả khu vực châu Á cũng là một lý do đẩy mạnh nhu cầu nắm giữ vàng của người dân. Bộ Tài chính cũng như Ngân hàng Trung ương nước này dự kiến sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo sự ổn định tài chính và bảo vệ đồng won. Đồng won đã giảm giá khoảng 10% kể từ cuối tháng 9/2024, chạm mức thấp nhất trong hai năm vào tuần trước. Khả năng đồng tiền này giảm xuống dưới mức 1.445 won/USD hoàn toàn có thể xảy ra, đánh dấu mức yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào đầu năm 2009.
“Khẩu vị” đầu tư của người tiêu dùng liệu có thay đổi?
Theo nhà phân tích Jim Wyckoff của trang Kitco News, xét trên phương diện kỹ thuật, những người đầu cơ vàng đang chiếm ưu thế trong khoảng ngắn hạn. Mục tiêu của họ là đẩy giá vàng lên trên mức 2.478 USD. Trong khi đó, mục tiêu của phe đối lập là đẩy giá vàng xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật mạnh 2.600 USD.
Trong dự báo mới nhất về giá vàng năm 2025, Bank of America khuyến nghị nhà đầu tư kiên nhẫn, cho rằng giá kim loại quý này vẫn đang trên đà đạt mức 3.000 USD trong 6 tháng đầu năm 2025 và đạt mức bình quân 2.750 USD trong 2025, không thay đổi so với dự báo trước.
Trong thời điểm tình hình địa chính trị sôi sùng sục, đẩy thế giới vào tình huống bất ổn đáng lo ngại, nhiều người bị thôi thúc buộc phải nhấm nháp “món ăn” đầu tư truyền thống được đánh giá là an toàn hơn cả - vàng, để bảo vệ nghiêm ngặt nhất cái hầu bao của bản thân.
Trưởng bộ phận nghiên cứu Michael Widmer của nhà băng lớn thứ hai của Mỹ nhận định dù sẽ tiếp tục đối mặt với một số trở ngại trong năm tới, như lợi suất trái phiếu tăng, đồng USD mạnh lên, Fed có thể giảm tốc độ giảm lãi suất,… Nhưng giá vàng vẫn rộng cửa chễm chệ trên “ngôi vương” của mình bởi sự hậu thuẫn vô cùng chắc chắn đến từ sự bất định về kinh tế và địa chính trị trên toàn thế giới.
Vân Anh