Thị trường vàng trong nước hôm nay (22/7) bị ảnh hưởng bởi cơn bão Wipha, khiến một số cửa hàng tạm thời đóng cửa vào buổi sáng. Tuy nhiên, sức nóng của thị trường vàng không hề suy giảm.
Giới đầu tư tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường quốc tế, khi giá vàng tại Mỹ trong phiên trước đó tăng vọt, có lúc vượt ngưỡng kháng cự quan trọng 3.400 USD/ounce (tương đương khoảng 109 triệu đồng/lượng).
Sáng 22/7, giá vàng trong nước đồng loạt tăng 500.000 đồng mỗi lượng và được duy trì đến cuối giờ chiều.
Cụ thể, giá vàng miếng SJC được điều chỉnh lên 122 triệu đồng/lượng (giá bán). SJC công bố giá vàng nhẫn loại 1-5 chỉ ở mức 115-117,5 triệu đồng/lượng (mua - bán). Giá nhẫn trơn Doji ở mức 116,6-119,1 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng tại thị trường châu Á trong phiên 22/7 hạ nhiệt, giảm nhẹ 5-10 USD/ounce sau khi tăng mạnh khoảng 40 USD trước đó. Nguyên nhân đến từ hoạt động chốt lời của nhà đầu tư và tâm lý thận trọng trước một thời điểm quan trọng: Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell chuẩn bị có bài phát biểu đầu tiên sau một tuần tràn ngập tin đồn từ chức do áp lực từ chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Giá vàng thế giới tăng mạnh còn do đồng USD giảm nhanh, với chỉ số DXY rơi xuống dưới ngưỡng 98 điểm. Giới đầu tư kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9 tới.
Ngoài ra, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm và căng thẳng thương mại giữa Mỹ với các nền kinh tế lớn, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), tiếp tục leo thang, góp phần đẩy giá vàng lên cao.
Giá vàng trong nước và thế giới tăng mạnh. Ảnh: HH
Vào lúc 19h30 tối 22/7 (giờ Việt Nam), ông Powell có bài phát biểu đầu tiên sau tin đồn từ chức.
Chính quyền Tổng thống Trump vẫn đang tìm kiếm các căn cứ pháp lý để gây sức ép lên ông Powell. Tổng thống Mỹ còn kêu gọi tiến hành đánh giá toàn diện hoạt động của Fed. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến vị trí của ông Powell, cũng như khả năng tái cấu trúc tổ chức này.
Sự kết hợp giữa đồng USD suy yếu, lợi suất trái phiếu giảm và áp lực lên Fed đã tạo ra một môi trường lý tưởng cho giá vàng, vốn được hưởng lợi trong bối cảnh chi phí cơ hội thấp, khi các kênh đầu tư thay thế trở nên kém hấp dẫn. Nhu cầu trú ẩn an toàn cũng gia tăng khi bất ổn địa chính trị và thương mại toàn cầu tiếp tục leo thang.
Những tuyên bố gần đây của Bộ trưởng Thương mại Mỹ, ông Howard Lutnick, càng làm gia tăng tính cấp bách cho các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra. Dù bày tỏ lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận với EU, ông Lutnick nhấn mạnh rằng thời hạn áp thuế ngày 1/8 là một “hạn chót cứng” cho các cuộc đàm phán.
Đồng thời, chính quyền Mỹ sẽ giữ mức thuế cơ sở 10% trong suốt tiến trình đàm phán nhằm thể hiện sự kiên định trong khuôn khổ chính sách thương mại hiện tại.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi Tổng thống Trump gửi thông báo chính thức đến các đối tác thương mại chủ chốt hồi đầu tháng, nêu chi tiết các mức thuế cụ thể sẽ có hiệu lực nếu không đạt được thỏa thuận trước hạn chót.
Phản ứng lại, EU đã chuẩn bị các biện pháp đáp trả tương ứng trong trường hợp Mỹ thực thi các mức thuế mới, khiến triển vọng cho một thỏa thuận thương mại cùng có lợi ngày càng trở nên bấp bênh.
Cùng với sự bất ổn của thị trường, kỳ vọng về chính sách tiền tệ tiếp tục biến động. Các nhà giao dịch đang định giá khoảng 60% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9, phản ánh những đồn đoán ngày càng tăng về khả năng thay đổi lãnh đạo tại ngân hàng trung ương và các cải cách thể chế rộng hơn.
Sự thay đổi ôn hòa trong kỳ vọng về lãi suất này đã góp phần làm đồng USD suy yếu và lợi suất trái phiếu kho bạc giảm, cả hai đều là những yếu tố hỗ trợ giá vàng.
Mạnh Hà