Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters
Theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco, đóng cửa tại thị trường New York, giá vàng giao ngay giảm 18,7 USD so với mức đóng cửa của phiên trước, chốt ở 3367 USD/oz.
Lúc 8h30 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á giảm 0,2 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Năm tại Mỹ, tương đương giảm 0,01%, giao dịch ở mức 3.366,8 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương khoảng 106,7 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 600.000 đồng/lượng so với phiên trước.
Diễn biến giá vàng từ đầu năm 2025 đến nay - Nguồn: Kitco
“Thị trường đang lạc quan về các thỏa thuận thương mại, ban đầu là giữa Mỹ với Nhật và giờ đây có thể là với Liên minh châu Âu (EU) nữa”, chuyên gia Aakash Doshi của công ty State Street Investment Management, nhận xét. “Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh đã gây áp lực lên giá vàng".
Theo một số nguồn tin thân cận, Mỹ và EU đang tiến tới một thỏa thuận thương mại, trong đó hàng hóa từ EU có thể chịu mức thuế quan cơ sở 15% khi xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ. Một số mặt hàng có thể được miễn thuế thuế quan.
Tin tức này được đưa ra không lâu sau khi Nhà Trắng công bố thỏa thuận thương mại đưa thuế quan với hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản từ mức dự kiến 25% còn 15%. Với EU, mức thuế quan Tổng thống Mỹ Donald Trump đang dự kiến áp đặt là 30% từ ngày 1/8.
Trong khi đó, chuyến thăm bất ngờ của ông Trump tới Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày thứ Năm cũng làm gia tăng thêm sự bất định về triển vọng chính sách tiền tệ tại Mỹ. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ nhiều lần chỉ trích Chủ tịch Fed Jerome Powell vì không hạ lãi suất mạnh tay.
“Một sự can thiệp có thể xảy ra với tính độc lập của Fed sẽ là yếu tố hỗ trợ tốt cho giá vàng trong trung và dài hạn”, ông Aakash Doshi nhận định.
Fed được dự báo sẽ giữ nguyên mức lãi suất hiện hành trong cuộc họp chính sách diễn ra vào ngày 29-30/7, nhưng thị trường đang đặt cược lớn vào khả năng cơ quan này sẽ có một đợt hạ lãi suất vào tháng 9. Là một tài sản trú ẩn an toàn trong các giai đoạn bất ổn kinh tế, giá vàng có xu hướng tăng trong môi trường lãi suất thấp.
Dữ liệu việc làm mới công bố cho thấy số lượng đơn xin thất nghiệp của Mỹ tuần trước giảm mạnh, cho thấy sức chống chịu tốt của thị trường lao động dù hoạt động tuyển dụng ảm đạm khiến người thất nghiệp khó tìm việc làm hơn.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kim loại quý Gary Wagner, thị trường đang diễn biến theo hướng tích cực nhưng giới đầu tư vẫn duy trì vị thế thận trọng trong bối cảnh thời hạn áp thuế quan mới của Mỹ đang tới gần.
“Khả năng Mỹ có thể áp đặt mức thuế quan cao hơn đáng kể với nhiều đối tác thương mại chưa đạt thỏa thuận đang tiếp tục khiến thị trường lo lắng. Nỗi lo này không phải vô căn cứ nếu nhìn vào tác động kinh tế nghiêm trọng đến dòng chảy thương mại toàn cầu nếu kịch bản đó xảy ra”, ông Wagner nhận định.
Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi sát sao các diễn biến liên quan tới quan hệ thương mại Mỹ - Trung. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent dự kiến sẽ có cuộc đàm phán với các quan chức Trung Quốc tại Thụy Điển vào tuần tới. Kết quả của vòng đàm phán này có thể sẽ giúp thị trường có cái nhìn rõ ràng hơn về triển vọng quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng như tác động lớn tới thị trường hàng hóa toàn cầu, trong đó có các kim loại quý như vàng.
Theo ông Wagner, sự trượt giá của giá vàng phiên này cũng một phần do đồng USD tăng giá mạnh. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng bạc xanh với một rổ tiền tệ lớn tăng 0,3% lên 97,5 điểm. Sự tăng giá của đồng USD thường gây áp lực với giá vàng bởi điều này khiến các mặt hàng được định giá bằng USD trở nên đắt đỏ hơn với người nắm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó làm giảm nhu cầu từ nhà đầu tư quốc tế
Đức Anh