Giá vàng thế giới vừa trải qua một tháng biến động rất mạnh, lập thêm một đỉnh mới quanh ngưỡng 3.500USD/ounce vào ngày 22-4, tuy nhiên sau đó, thị trường lại chứng kiến nhiều phiên giảm sốc. Đến cuối tháng, giá vàng thế giới lại có nhiều phiên đi ngang hoặc giảm nhẹ.
Cập nhật vào thời điểm hiện tại, giá vàng thế giới đang ở mức khoảng 3.370USD/ounce, thấp hơn khoảng 130USD/ounce so với thời điểm gần nhất. Ở mức này, quy đổi ra giá vàng trong nước giá vàng thế giới thấp hơn trong nước khoảng 15 triệu đồng/lượng.
Trong tháng 4, giá vàng thế giới từng có phiên tăng vọt lên 3.500USD và giảm ngay 200USD trong phiên kế tiếp. Ảnh: NGỌC DIỆP
Lý do đằng sau biến động rất mạnh của giá vàng những tuần gần đây
Phân tích về nguyên nhân giá vàng thế giới lập kỷ lục rồi giảm sâu trong tháng vừa qua, chuyên gia độc lập Trần Duy Phương chỉ ra: “Trong tháng 4, giá vàng thế giới chứng kiến phiên giảm sốc hoặc biến động rất mạnh, nguyên nhân chính là bởi nhà đầu tư băn khoăn về căng thẳng thuế quan leo thang trên toàn cầu".
Tính từ đầu tháng 4 cho đến thời điểm ngày 22-4 khi giá vàng lập kỷ lục khoảng 3.500USD/ounce, ước tính khoảng 20 ngày giao dịch, giá vàng thế giới tăng khoảng 600USD/ounce.
Cũng theo ông Phương, những tuần gần đây, không chỉ nhà đầu tư cá nhân mà cả các quỹ đầu tư và ngân hàng trung ương hàng loạt nước trên thế giới mua mạnh vàng.
Ông Phương khẳng định đối đầu thuế quan không thể kéo dài mãi, những người đứng đầu của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bao gồm Mỹ và Trung Quốc sẽ có những động thái thương thảo để hướng đến hạ nhiệt căng thẳng. Phía Mỹ cũng đã có nhiều động thái nhượng bộ và hướng đến mục tiêu đàm phán với Trung Quốc để hạ nhiệt vấn đề thuế quan.
Dấu hiệu căng thẳng hạ nhiệt này đã khiến giá vàng thế giới từ mốc 3.500USD/ounce giảm còn 3.200USD/ounce trong tuần vừa qua, tương đương khoảng 300USD/ounce. Như vậy, tính chung cả tháng 4, giá vàng thế giới tăng khoảng hơn 300USD/ounce.
Một khi vấn đề thuế quan được tháo gỡ, giá vàng thế giới sẽ suy giảm trở lại. Nếu xu thế hiện tại tiếp diễn, ông Phương cho rằng giá vàng có thể về mốc 3.000USD/ounce hoặc thậm chí thấp hơn là 2.800USD/ounce (nếu ở ngưỡng này sẽ tương đương với khoảng 89 triệu đồng/lượng).
Cùng lúc đó, cũng phải nhìn vào diễn biến Mỹ đã có những đàm phán thương mại song phương với nhiều nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mexico. Bối cảnh căng thẳng toàn cầu liên quan đến vấn đề thuế quan chắc chắn sẽ hạ nhiệt đáng kể so với khoảng thời gian trước.
Hướng biến động của giá vàng trong thời gian tới
Nhận định về những yếu tố tác động đến diễn biến giá vàng thế giới trong thời gian tới, ông Phương cho rằng căng thẳng thuế quan giảm đi, tuy nhiên vẫn còn đó những đối đầu địa chính trị tại Trung Đông. Dù vậy, trong trường hợp này, ông Phương khẳng định những yếu tố ở Trung Đông đã phản ánh vào giá vàng thế giới từ trước.
Cũng theo ông Phương, trong thời gian tới, hoàn toàn có khả năng giá vàng thế giới chạm ngưỡng 3.600 hoặc 3.700USD/ounce, tuy nhiên ông không tin rằng xác suất xảy ra kịch bản này sẽ cao. Nguyên nhân bởi theo ông, quan điểm của các nước về vấn đề thuế quan có ảnh hưởng rất lớn đến biến động giá vàng, sau đó mới xét đến quan điểm lãi suất của các ngân hàng trung ương.
Đối với vấn đề đối đầu thuế quan, ông Phương tin vấn đề này sẽ hướng đến sự đồng thuận giữa các nước và căng thẳng sẽ "hạ nhiệt".
Một yếu tố nổi bật khác trên thị trường vàng trong thời gian vừa qua chính là việc chênh lệch giữa vàng miếng SJC và vàng miếng các thương hiệu khác giãn rộng, có lúc lên đến 4 triệu đồng/lượng.
Lý giải về điều này, ông Phương nói nguyên nhân chính dẫn đến chênh lệch nói trên do nhu cầu của người dân quá cao, nhưng vàng từ nhập khẩu lại không có.
Ngoài ra, cũng theo ông Phương, vàng SJC vẫn khan hiếm trên thị trường, khi vàng miếng các thương hiệu khác rẻ hơn có thể là dấu hiệu cho thấy các thương hiệu khác mua được vàng do người dân bán lại, hoặc vàng có đủ hóa đơn chứng từ và họ sản xuất thêm vàng thương hiệu của riêng họ. Chính vì vậy, nguồn cung các loại vàng này không khan hiếm như vàng SJC.
Với câu hỏi có nên đầu tư vào vàng hay không, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, Khối khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng vàng trong 1-2 năm trở lại đây mang lại giá trị đột biến, nhưng trong điều kiện bình thường chỉ mang tính tích trữ, sở hữu.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang hồi phục nhưng có những bất ổn ngắn hạn, dòng tiền sẽ tìm đến bất động sản và chứng khoán. Còn vàng sẽ là một trong những công cụ bù trừ sự bất ổn, và có thể còn tiếp diễn trong 1-2 năm tới. "Trong dài hạn, bất động sản và chứng khoán luôn có hiệu suất tốt hơn", ông Minh nói.
Do đó, ông Minh khuyến nghị trong điều kiện kinh tế năm 2025, nhà đầu tư có thể phân bổ 40-50% danh mục vào chứng khoán; không khuyến khích dùng đòn bẩy để đầu tư vào thị trường bất động sản, chỉ nên dùng 30% danh mục; phần còn lại để đầu tư vào vàng xem như là công cụ phòng ngừa.
Ngân hàng Nhà nước nói gì về chênh lệch 15 triệu đồng giữa giá vàng miếng SJC với vàng thế giới?
Trong báo cáo vừa gửi tới Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường.
Thống đốc cho biết nguyên nhân giá vàng miếng SJC trong nước tăng với tốc độ nhanh hơn giá vàng thế giới và chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và thế giới tăng cao từ đầu tháng 4-2025 chủ yếu là do:
Tâm lý kỳ vọng việc giá vàng thế giới tiếp tục tăng trong bối cảnh các chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump dự kiến tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu; lộ trình chính sách tiền tệ khó lường của FED.
Diễn biến địa chính trị thế giới căng thẳng; các cú sốc giá cả hàng hóa có thể phát sinh khiến nhu cầu mua vàng tăng, trong khi nguồn cung vàng miếng trên thị trường chưa được tăng thêm từ đầu năm 2025 đến nay. Thị trường ngoại hối và thị trường vàng tương đối ổn định nên từ đầu năm 2025 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không phải can thiệp thị trường.
Ở thời điểm trưa nay (ngày 6-5), chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và thế giới quy đổi ở mức 14,48 triệu đồng/lượng (tương đương khoảng 13,62%).
NGỌC DIỆP