Vàng được bày bán tại một tiệm kim hoàn ở Meyrin, gần Geneva, Thụy Sĩ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Giá vàng tăng trong phiên giao dịch 18/11 sau sáu phiên liên tiếp giảm khi đà tăng của đồng USD đã bị chững lại.
Những bất ổn ngày càng gia tăng về cuộc khủng hoảng Ukraine cũng làm nhu cầu mua vàng để bảo toàn tài sản phục hồi.
Giá vàng giao ngay tăng 1,8% lên 2.608,19 USD/ounce vào lúc 01 giờ 44 phút sáng (giờ Việt Nam), rời mức thấp nhất trong hai tháng của hôm 14/11. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 1,7% lên 2.614,60 USD/ounce.
Đồng bạc xanh đã giảm 0,4% vào ngày 18/11 sau khi tăng 1,6% vào tuần trước. Đồng USD yếu khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua sử dụng các đồng tiền khác.
Chuyên gia thị trường cấp cao Daniel Pavilonis tại RJO Futures cho biết những căng thẳng gia tăng tại Ukraine đang đẩy mạnh nhu cầu mua vàng để bảo toàn tài sản.
"Cho dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có cắt giảm lãi suất hay không, về mặt kỹ thuật giá vàng có thể quay trở lại mức gần 2.700 USD/ounce," chuyên gia Pavilonis cho biết.
Tại Việt Nam, lúc 6 giờ 20 phút sáng 19/11, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 81,00-84,00 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Giá dầu tăng hơn 3% do hoạt động sản xuất bị gián đoạn
Giá dầu tăng hơn 3% trong phiên giao dịch 18/11 sau khi hoạt động sản xuất tại mỏ dầu Johan Sverdrup của Na Uy bị gián đoạn. Thông tin này càng thúc đẩy đà tăng trước đó do tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine.
Giá dầu Brent kết thúc phiên này tăng 2,26 USD (3,2%) lên 73,30 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kết phiên tăng 2,14 USD (3,2%) lên 69,16 USD/thùng.
Tập đoàn năng lượng Equinor của Na Uy đã tạm dừng sản xuất tại mỏ dầu Johan Sverdrup, mỏ dầu lớn nhất Tây Âu, do sự cố mất điện trên bờ.
Người phát ngôn của Equinor cho biết công việc khởi động lại sản xuất sẽ được tiến hành nhưng chưa có thông tin cụ thể.
Công nhân làm việc tại nhà máy chế biến của giếng dầu Ahdab ở tỉnh Wasit, Iraq. (Ảnh: THX/TTXVN)
Chuyên gia phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết giá dầu tiếp tục tăng sau thông tin về việc mỏ dầu Johan Sverdrup ngừng hoạt động, điều này cho thấy khả năng thị trường dầu thô Biển Bắc sẽ bị thắt chặt.
Mỏ dầu Tengiz lớn nhất của Kazakhstan ở tỉnh Atyrau, miền Tây nước này do công ty Chevron của Mỹ điều hành cũng đã giảm sản lượng 28-30% do đang trong quá trình sửa chữa khiến nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt hơn. Bộ Năng lượng nước này cho biết việc sửa chữa dự kiến sẽ hoàn thành vào thứ Bảy (23/11).
Giá dầu cũng đi lên khi căng thẳng Nga-Ukraine gia tăng vào cuối tuần qua./.
(TTXVN/Vietnam+)