Trước phiên chất vấn, nhóm vấn đề về tỷ giá và giá vàng được cử tri rất quan tâm. Bởi giá vàng đã có một tuần giao dịch khó lường, có lúc “bốc hơi” gần 6 triệu đồng/lượng chỉ trong nháy mắt, khiến cả thị trường bất ngờ.
Trong phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng được niêm yết ở ngưỡng 82 triệu đồng/lượng mua vào; 85,8 triệu đồng/lượng bán ra. Chênh lệch giữa mua và bán đang ở ngưỡng 4 triệu đồng, khiến nhà đầu tư đối diện nguy cơ thua lỗ khi đầu tư ngắn hạn.
Tại báo cáo gửi đại biểu Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính từ 19/4/2024 đến nay, cơ quan quản lý đã cung ứng thêm cho thị trường khoảng 13 tấn vàng thông qua hình thức đấu thầu và bán trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nếu không có biện pháp giải quyết dứt điểm thì giá vàng sẽ còn tăng rất nóng trong thời gian tới.
Còn đối với tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã và đang đối mặt với nhiều áp lực điều hành tỷ giá. Tính đến tháng 10/2024, tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 1,5% so với đầu năm. Ngân hàng Nhà nước đã duy trì ổn định tỷ giá bằng cách linh hoạt điều chỉnh biên độ dao động và sử dụng dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề đáng lưu tâm, bởi có thể ảnh hưởng đến chi phí nhập khẩu và là thách thức lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Trước phiên chất vấn, nhiều ý kiến cho rằng, trong dài hạn, sự ổn định tỷ giá phụ thuộc vào việc Việt Nam thu hút thêm nguồn vốn FDI và tăng cường năng lực sản xuất, xuất khẩu. Còn đối với thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để điều chỉnh chính sách phù hợp, giảm bớt sự hấp dẫn của vàng như một kênh đầu tư, đồng thời thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng thế giới và giá vàng trong nước.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!
Truyền hình Quốc hội Việt Nam
Nguồn Quốc Hội TV : https://quochoitv.vn/gia-vang-va-ty-gia-nong-truoc-phien-chat-van-242502.htm