Giá vật liệu tăng, ảnh hưởng tiến độ xóa nhà tạm, dột nát

Giá vật liệu tăng, ảnh hưởng tiến độ xóa nhà tạm, dột nát
một ngày trướcBài gốc
Theo tính toán của gia đình ông Quàng Văn Yên, để hoàn thiện ngôi nhà cấp 4 với diện tích 100m2 cần 20.000 viên gạch.
Gia đình ông Quàng Văn Yên, bản Cọ là 1 trong 85 hộ nghèo được hỗ trợ xóa nhà tạm, dột nát theo Quyết định 150/QĐ-UBND ngày 24/1/2025 của UBND tỉnh tại xã Quài Nưa. Sau hơn 1 tháng thi công, đến nay ngôi nhà đang trong giai đoạn hoàn thiện. Tuy nhiên, theo ông Yên, hiện nay trên địa bàn huyện Tuần Giáo khan hiếm gạch nung, mặc dù đã đặt tiền mua gạch nhưng chưa có hàng. Để hoàn thiện ngôi nhà, gia đình vẫn thiếu khoảng 2.000 viên gạch song các cơ sở cung cấp gạch trên địa bàn không còn gạch hoặc có nhưng giá rất cao. Chuẩn bị vật liệu xây nhà, gia đình ông Yên đã mua hơn 10.000 viên gạch với mức giá 1.700 đồng/viên, theo tính toán đến khi hoàn thành phải hết gần 20.000 viên. "Mua được gạch xây nhà vào thời gian này rất khó, mặc dù đã đặt tiền rồi vẫn chưa có hàng, bởi vì giá gạch thay đổi từng ngày, phải đặt tiền trước, lấy gạch sau, báo giá sau" - ông Yên cho biết.
Với mức giá vật liệu hiện nay, hoàn thành một ngôi nhà giá tăng gấp 1,5 lần so với dự tính ban đầu. Trong ảnh: Gia đình anh Cà Văn Thân, bản Kép mua 2.000 viên gạch làm móng nhà trước.
Vì giá gạch tăng cao nên gia đình anh Cà Văn Thân, bản Kép, xã Chiềng Sinh chỉ nhập 2.000 viên gạch để làm móng nhà trước. Anh Thân chia sẻ: Tôi đi tham khảo giá thời điểm trước Tết Nguyên đán giá gạch chỉ dao động 1.200 - 1.300 đồng/viên, nhưng chỉ sau vài tháng, giá gạch tăng cao ên gia đình chỉ nhập số lượng ít để làm phần móng. Với giá gạch hiện nay, làm xong nhà mức giá đội gấp 1,5 lần so với tính toán ban đầu, gia đình không đủ tiền. Hiện giá vật liệu đa số tăng, giá cát bê tông 550.000 đồng/mét khối; đá xay 1.2 có giá 260.000 đồng/mét khối; cao nhất vẫn là gạch dao động từ 1.700 - 1.800 đồng/viên, thị trường khan hiếm.
Mặc dù đến đợi từ sáng nhưng người đàn ông này không thể mua được gạch xây dựng.
Lý giải vì sao giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tăng và khan hiếm, một số doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn huyện Tuần Giáo cho rằng: Chủ yếu vật liệu xây dựng được các doanh nghiệp nhập từ TP. Điện Biên Phủ và TP. Sơn La về bán lại cho người dân. Do cước vận chuyển cao, tác động đến giá. Đơn cử một xe container chở được hơn 50.000 viên gạch từ TP. Điện Biên Phủ lên đến Tuần Giáo, tiền cước vận chuyển dao động từ 13 - 14 triệu đồng/chuyến, chưa tính công bốc dỡ; xe tải 2,5 tấn chở được 6.000 viên gạch tiền cước hơn 3 triệu đồng/chuyến, giá thành cao nên nhà cung cấp hạn chế. Nếu như người dân xây dựng bằng gạch không nung thì giá sẽ rẻ hơn.
"Gạch khan hiếm vì các tỉnh đồng loạt triển khai chương trình xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo dẫn đến tình trạng khan hàng, cung không đủ cầu" - một đại diện nhà cung cấp nêu lý do.
Mặc dù gạch tại nhà máy không khan hiếm nhưng khi đến tay người dân tăng từ 3 - 4 giá.
Công ty TNHH Duyên Hùng sản xuất gạch trên địa bàn huyện Điện Biên, cho biết: Hiện nay gạch tại nhà máy bán với giá 1.400 đồng/viên, nếu vận chuyển lên huyện Tuần Giáo giá gạch có giá dao động từ 1.650 - 1.700 đồng/viên. Tại nhà máy, gạch không khan hiếm, xe đến lúc nào cũng có gạch, tuy nhiên để vận chuyển đi các huyện, thị giá sẽ tăng theo cước vận chuyển. Khi gạch đến tay người dân giá tăng, các doanh nghiệp nhỏ hạn chế nhập hàng số lượng lớn khiến gạch khan hàng. Đối với huyện Điện Biên, giá vật liệu xây dựng như cát dao động từ 400.000 - 450.000 đồng/mét khối (tùy từng loại), đá xay từ 200.000 - 220.000 đồng/mét khối tại mỏ, chưa tính cước vận chuyển...
Giá vật liệu xây dựng tăng ảnh hưởng rất lớn đến việc xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo nhất là tại địa bàn vùng sâu, vùng xa. Những hộ đang trong quá trình xây dựng nhà cân nhắc việc tiếp tục mua vật liệu hay chờ giá xuống thấp. Trước những khó khăn đó, người dân mong muốn cơ quan chức năng có biện pháp đảm bảo cân đối cung, cầu và bình ổn thị trường vật liệu xây dựng để chia sẻ khó khăn với các hộ nghèo. Ngành chức năng khảo sát giá thị trường, kịp thời công bố giá các loại vật tư, vật liệu, thiết bị chủ yếu, đồng thời có phương án hỗ trợ mức trượt giá hợp lý cho người dân. Qua đó giúp hộ nghèo, khó khăn sớm có ngôi nhà vững chãi, đảm bảo tiến độ, mục tiêu chương trình xóa nhà tạm, dột nát.
Quang Hùng
Nguồn Điện Biên Phủ : https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/kinh-te/gia-vat-lieu-tang-anh-huong-tien-do-xoa-nha-tam-dot-nat