Giá vật liệu tăng cao bất thường, nhiều công trình giao thông trọng điểm gặp khó

Giá vật liệu tăng cao bất thường, nhiều công trình giao thông trọng điểm gặp khó
5 giờ trướcBài gốc
Công nhân Tập đoàn Đèo Cả thi công đường cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng. (Ảnh: BÍCH LIÊN)
Trong khi đó, việc công bố giá của địa phương cũng chưa theo kịp diễn biến của thị trường, gây khó khăn cho các nhà thầu trong cân đối nguồn lực, tìm kiếm nguồn cung để đáp ứng tiến độ dự án.
Giá tăng đột biến, khan hiếm nguồn cung
Nhiều nhà thầu tham gia thi công dự án giao thông trọng điểm tại Lạng Sơn, Thanh Hóa, Đà Nẵng,... phản ánh, gần đây, giá vật liệu xây dựng, nhất là vật liệu cát tăng giá đột biến, cá biệt có nơi vượt mốc 1 triệu đồng/m3, cao gấp nhiều lần so với đơn giá dự thầu và giá vật liệu công bố của địa phương, đẩy các nhà thầu vào tình cảnh không thể bù đắp được chi phí. Đơn cử, mỏ cát Hùng Sơn (Lạng Sơn) cung cấp vật liệu cho dự án đường , trong vòng 1 năm qua đã tăng giá 3 lần, từ 300.000 đồng/m3 lên 455.000 đồng/m3 (tăng 52%), chưa gồm thuế VAT và phí vận chuyển.
Trong khi đó, tỉnh Lạng Sơn công bố giá cát của mỏ là 280.000 đồng/m3, chênh lệch tới 175.000 đồng/m3. Tình trạng khan hiếm nguồn cung vật liệu cũng xảy ra tại nhiều địa phương. Tại tỉnh Thanh Hóa, trong số 30 mỏ cát được cấp phép, chỉ còn duy nhất 1 mỏ còn hoạt động, chiếm chưa tới 2% tổng công suất được phê duyệt. Còn ở Đà Nẵng, suốt ba năm qua, gần như không có mỏ vật liệu mới nào được cấp phép, khiến nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng. Sự chậm trễ trong việc cấp phép khai thác ở một số địa phương vô hình trung đã “tạo điều kiện” cho một số chủ mỏ và doanh nghiệp vận tải cấu kết nâng giá.
Giá vật liệu thực tế tại mỏ thường cao hơn 3-4 lần so với giá công bố của địa phương, gây khó khăn trong việc lập và điều chỉnh dự toán. Nguồn cung tại chỗ thiếu hụt buộc nhà thầu phải mua từ các nơi xa hơn, đẩy chi phí vận chuyển tăng mạnh. Tại dự án cầu đường sắt Cẩm Lý thuộc tuyến đường sắt Kép-Hạ Long, nhà thầu đang gặp rất nhiều khó khăn khi đơn giá cát theo hợp đồng là 184.000 đồng/m3, trong khi thực tế lên tới 420.000 đồng/m3.
Ông Đỗ Văn Vinh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Miền Trung cho biết, ngoài dự án này, nhiều dự án trọng điểm khác do đơn vị đảm trách như đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, Chí Thạnh-Vân Phong, giá đất san lấp tại nhiều khu vực tăng bình quân 20-30% so với thời điểm khởi công, đá dăm cũng tăng khoảng 30%. Vài tháng gần đây, khi hàng loạt trọng điểm tăng tốc tiến độ, giá vật liệu các nơi tăng liên tục và khó lường, tạo chênh lệch ngày càng lớn, gây khó khăn trong việc lập, quản lý chi phí, thanh quyết toán hợp đồng và gia tăng áp lực đối với việc huy động nguồn lực tài chính của nhà thầu, khi phải bù chi phí nhiều tỷ đồng”, ông Đào Văn Vinh chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Đình Nhuận, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Cienco4, trong vòng một năm trở lại đây, các yếu tố cấu thành chi phí xây dựng có xu thế tăng mạnh. Ở khu vực phía nam, một số dự án trọng điểm như Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh,… trong giai đoạn thi công “nước rút” dẫn đến hiện tượng khan hiếm và đội giá vật liệu. Tại gói thầu XL8, thuộc dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ CHí Minh, giá đấu thầu và giá thực tế của vật liệu cát, đá dăm cấp phối “vênh nhau” từ 150 đến 160%. Nhà thầu tính toán, ở gói thầu này cần huy động thêm khoảng 700.000m3 cát, chênh lệch chi phí rất cao đã “ăn mòn” lợi nhuận. “Việc mua bán vật liệu cát, đá là giao dịch trả tiền trước, nhận vật liệu sau, gây khó khăn cho dòng tiền của nhà thầu, nhất là tại các dự án có chậm và tỷ lệ tạm ứng thấp. Vật liệu tăng giá cũng khiến các nhà cung cấp trung gian không mặn mà, ảnh hưởng đến nguồn cung. Để đáp ứng tiến độ (nhất là các dự án trọng điểm), đòi hỏi nhà thầu phải có nguồn lực tài chính mạnh thật sự, trước mắt phải huy động vật tư, vật liệu kịp thời, còn các quyền lợi về bù giá, tạm ứng, tạm thanh toán,… xét sau”, ông Nhuận cho hay.
Siết chặt giá tại mỏ, nghiên cứu bù giá trực tiếp
Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo mạnh mẽ nhằm bình ổn giá và khơi thông nguồn cung đối với nguồn. Mới đây nhất, ngày 10/6/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 85/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có giải pháp siết chặt quản lý, kiểm soát giá vật liệu xây dựng. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chức năng rà soát, cập nhật giá vật liệu sát với thị trường, quy hoạch mỏ hợp lý và bảo đảm cân đối cung-cầu; đơn giản hóa thủ tục cấp phép khai thác; xử lý nghiêm các hành vi thao túng thị trường, trục lợi, bảo kê và tham nhũng đối với vật liệu. Lãnh đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm cá nhân nếu để xảy ra thiếu hụt, chậm cập nhật giá vật liệu hoặc buông lỏng kiểm soát thị trường.
Các doanh nghiệp xây lắp đã chủ động tìm hướng đa dạng nguồn cung, tránh phụ thuộc vào một vài nhà cung cấp; đàm phán, ký hợp đồng cung cấp vật liệu dài hạn nhằm giảm thiểu rủi ro; dự trữ vật liệu chiến lược tại công trường hoặc các kho bãi lân cận. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ thi công hiện đại, tìm giải pháp kỹ thuật tối ưu giảm thiểu định mức sử dụng vật liệu,... đồng thời kiến nghị chủ đầu tư và cấp có thẩm quyền cho phép tính toán lại chỉ số giá thực tế đối với vật liệu cát, đá, không áp dụng chỉ số cung cấp từ Sở Xây dựng như điều kiện hợp đồng gốc, do chỉ số giá không phản ánh đúng điều kiện thực tế thị trường.
Các cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận cho nhà thầu được khai thác đất đá, cát sỏi tại các mỏ có sẵn hoặc các mỏ được quy hoạch nhưng chưa khai thác, theo hình thức tạm thời hoặc hợp tác, giúp nhà thầu chủ động nguồn cung, ổn định giá thành đầu vào. Nhiều nhà thầu và chuyên gia cũng đề xuất, trong quá trình phê duyệt và khởi công dự án, phải xem mỏ vật liệu là điều kiện tiên quyết; tiếp tục gia hạn, bổ sung danh mục các dự án được hưởng cơ chế đặc thù về khai thác mỏ từng được áp dụng hiệu quả.
Cùng với đó, việc kiểm soát giá tại mỏ và chi phí vận chuyển cũng cần được siết chặt, kiểm tra định kỳ để ngăn chặn tình trạng liên kết ép giá, thao túng thị trường. Về dài hạn, cần có chiến lược phát triển vật liệu thay thế nhằm giảm áp lực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong bối cảnh từ nay đến năm 2030, cả nước triển khai thi công thêm 2.000km đường cao tốc, cùng với tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam và hàng loạt công trình hạ tầng lớn, nếu không giải quyết căn cơ vấn đề này, “cơn bão vật liệu” sẽ bùng phát bất cứ lúc nào. Do đó, cần có chiến lược tổng thể, đồng bộ, nhất quán từ Trung ương đến địa phương, giải quyết triệt để các bất cập về thể chế, thủ tục, nguồn cung và giá cả.
MINH TRANG
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/gia-vat-lieu-tang-cao-bat-thuong-nhieu-cong-trinh-giao-thong-trong-diem-gap-kho-post893753.html