Giá vật liệu tăng cao: Ngành xây dựng chịu áp lực lớn

Giá vật liệu tăng cao: Ngành xây dựng chịu áp lực lớn
5 giờ trướcBài gốc
Vừa tăng giá vừa khan hàng
Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố bảng giá vật liệu xây dựng (VLXD) tháng 6/2025, ghi nhận mức chênh lệch đáng kể giữa các quận nội thành và khu vực ngoại thành, đặc biệt ở nhóm vật liệu cát và đá.
Theo đó, giá cát xây dựng trên thị trường dao động quanh mức 345.000 đồng/m3, cao hơn khoảng 21% so với mức giá 286.000 đồng/m3 tại các điểm xa trung tâm như: Phúc Thọ, Thường Tín... Cát vàng cũng có giá cao nhất là 697.000 đồng/m3, trong khi tại các vùng ven như Sơn Tây, Đan Phượng chỉ khoảng 605.000 đồng/m3...
Giá thép tăng cao gây áp lực đối với ngành xây dựng. Ảnh: M.H
Ở nhóm đá xây dựng, giá đá 1x2 tại nội đô là 377.000 đồng/m3, trong khi tại Mỹ Đức, Ứng Hòa... giá chỉ ở mức 339.000 đồng/m3. Giá đá dăm cấp phối lớp trên cũng chênh lệch từ 301.000 – 334.000 đồng/m3, tùy theo khu vực.
Sở Xây dựng cho biết, giá VLXD trong bảng công bố được xác định trên cơ sở khảo sát mặt bằng giá trên địa bàn TP Hà Nội; là mức giá trung bình đến chân công trình tại thời điểm tháng 6/2025, đã bao gồm các loại thuế và phí theo quy định (chưa bao gồm VAT).
Giá VLXD từ đầu quý II/2025 đến nay đã ghi nhận những biến động đáng kể. Chẳng hạn với mặt hàng thép xây dựng, các doanh nghiệp (DN) sản xuất và kinh doanh thép điều chỉnh tăng giá bán các sản phẩm thép xây dựng tăng, giá dao động quanh mức 13.380 - 14.200 đồng/kg tùy theo thương hiệu và khu vực.
Giá cát xây dựng đã tăng từ 5 - 10% so với cuối năm 2024, dao động từ 140.000 - 400.000 đồng/m³ tùy loại, đặc biệt, giá cát san lấp tăng đến 15%. Giá đá xây dựng cũng ghi nhận mức tăng nhẹ, dao động từ 230.000 - 380.000 đồng/m³.
Theo nhiều nhà thầu xây dựng, hiện không những VLXD đội giá, mà còn xảy ra tình trạng khan hàng, điều này khiến nhiều đơn vị thi công gặp khó, nhiều nhà thầu đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Bởi tại nhiều dự án hợp đồng ký kết với đơn giá cố định. Nhà thầu tiếp tục làm thì lỗ, còn dừng lại thì thiệt hại cũng rất nặng nề.
Các đại lý kinh doanh VLXD cho biết, giá cát tăng là do nguồn cung cấp không đủ để phục vụ nhu cầu xây dựng. Giá VLXD tăng cao và khan hiếm tạo áp lực chi phí cho người dân và DN. Một số công trình xây dựng phải điều chỉnh tiến độ, DN sản xuất, cơ sở kinh doanh gặp khó khăn trong việc bảo đảm nguồn cung. Đối với người dân, đặc biệt là các hộ đang xây dựng nhà ở, việc giá VLXD tăng khiến tổng chi phí bị đội lên hàng chục triệu đồng...
Tăng cường kiểm soát giá và nguồn cung
Trao đổi về vấn đề này, ông Dương Đình Tuấn - Giám đốc Ban Điều hành Trường Sơn 10 thuộc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, giá cát tăng quá cao so với hợp đồng gây áp lực lớn đối với nhà thầu.
Ông Nguyễn Xuân Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thi công xây dựng cầu đường Hồng An, nhà thầu tham gia thi công đường Vành đai 3 – TPHCM cũng băn khoăn, nếu giá VLXD không giảm thì nhà thầu xây dựng sẽ gánh khoản lỗ không nhỏ.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu Xây dựng Việt Nam, giá VLXD đang là vấn đề lớn của ngành xây dựng và các nhà thầu. Có những loại vật liệu tăng đến 40% giá trị, như cát xây dựng, gạch đỏ... Giai đoạn 2021-2022, tình hình xây dựng của nước ta chậm, khiến lượng tiêu thụ và giá VLXD thấp do không có nhiều công trình. Tuy nhiên, từ năm 2024 đến nay, thị trường bất động sản phục hồi, số lượng dự án tăng nhanh thu hút sản lượng lớn vật tư, vật liệu. Từ đó, vật liệu xây dựng thiếu hụt do ít nguồn cung.
Ông Hiệp nêu giải pháp, cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách, kế hoạch để tăng nguồn cung VLXD. Bên cạnh đó, cần có cơ chế kiểm tra đơn giá VLXD mà các tỉnh công bố có sát với thực tế không, để đảm bảo thuận lợi cho việc thi công của các nhà thầu và tiến độ triển khai công trình.
Còn theo TS Trần Bá Việt- Phó Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam, tình trạng các mỏ khai thác cát quá mức, nhưng lại chỉ xuất hóa đơn dưới mức cho phép diễn ra phổ biến. Đến khi lực lượng chức năng vào cuộc kiểm tra thì các điểm khai thác này đều phải dừng hoạt động. Từ đó nguồn cung sụt giảm trong khi nhu cầu đang lớn, dẫn đến giá cát tăng...
Bên cạnh đó, các công trình xây dựng đường giao thông của nước ta đang tiêu thụ nhiều cát đắp nền. Nếu một đoạn đường cần đắp nền cao 4 – 5m thì lượng cát rất lớn. Để giảm thiểu lượng tiêu thụ cát, nhà nước nên xem xét áp dụng phương pháp sử dụng cầu cạn cho các đoạn đường cần phải đắp nền cao.
Hiệp hội Các nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho biết, đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan, UBND cấp tỉnh thực hiện các biện pháp bình ổn giá VLXD, kiểm soát việc tăng giá bất thường trên địa bàn quản lý.
Nhằm giải quyết rốt ráo vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 85 về việc tăng cường các giải pháp quản lý, bình ổn giá vật liệu xây dựng. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng phối hợp địa phương theo dõi sát biến động thị trường để chủ động các giải pháp giảm giá kịp thời, nhất là các loại vật liệu thiết yếu như cát, đá, sỏi, gạch, vật liệu san nền, đắp nền đường...
Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác các mỏ vật liệu được cấp phép, công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản đảm bảo minh bạch, công bằng tiếp cận cho mọi thành phần kinh tế, DN tham gia, chống lợi ích nhóm cục bộ, địa phương, không để đầu cơ, găm hàng, đội giá, thao túng thị trường vật liệu xây dựng...; Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi thao túng thị trường, đầu cơ trục lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng và các hành vi bao che, bảo kê, tham nhũng, làm ngơ để tình trạng vi phạm tái diễn, không xử lý triệt để.
M.Sang - H.Hương
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/gia-vat-lieu-tang-cao-nganh-xay-dung-chiu-ap-luc-lon-10309420.html