Giá vật liệu xây dựng tại Đà Nẵng tăng 'phi mã', nhiều công trình đối mặt nguy cơ tạm dừng

Giá vật liệu xây dựng tại Đà Nẵng tăng 'phi mã', nhiều công trình đối mặt nguy cơ tạm dừng
6 giờ trướcBài gốc
Giá cát tăng gần gấp đôi trong thời gian ngắn
Theo ghi nhận từ các nhà thầu và đơn vị quản lý dự án, giá cát xây dựng trong từ đầu tháng 5 đã tăng gần gấp đôi, từ mức khoảng 300.000 đồng/m³ lên tới 600.000 – 700.000 đồng/m³. Một số đơn vị cung cấp thậm chí từ chối báo giá hoặc chỉ cung ứng số lượng hạn chế do nguồn cung khan hiếm.
Nguyên nhân chính của tình trạng này đến từ việc nguồn khai thác cát tại tỉnh Quảng Nam – địa phương chủ lực cung cấp cát cho thành phố Đà Nẵng – đang tạm dừng hoặc siết chặt sản lượng. Sự thiếu hụt nguồn cung nhanh chóng lan rộng, kéo theo giá bê tông thương phẩm tăng khoảng 20 – 30%, gây áp lực lớn cho các nhà thầu xây dựng.
Trước tình hình này, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và nông nghiệp Đà Nẵng (Ban quản lý) đã có báo cáo khẩn gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đề nghị sớm tháo gỡ tình trạng này.
Khai thác cát tại một mỏ thuộc huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam - nơi cung ứng cát chủ yếu cho TP Đà Nẵng.
Ban quản lý nêu rõ tình trạng thiếu vật liệu xây dựng đã khiến nhiều dự án lớn của thành phố có nguy cơ chậm tiến độ, trong đó đáng chú ý là dự án kè sông Yên, kè Cu Đê, hệ thống thu gom nước thải tại Hòa Xuân – Cẩm Lệ, và công trình cải tạo cầu Biện.
Các giải pháp được đề xuất bao gồm: yêu cầu Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan kiểm tra lại hoạt động cung ứng cát, đánh giá tình hình khai thác ở Quảng Nam, đồng thời kiến nghị Chính phủ xem xét cơ chế điều tiết, bình ổn giá cát xây dựng, tránh để xảy ra tình trạng đầu cơ trục lợi.
Đá xây dựng cũng vô cùng khan hiếm
Hiện tại, trên địa bàn Đà Nẵng đang tiến hành hàng loạt dự án trọng điểm cần số lượng đá xây dựng, đá hộc lớn. Có thể kể đến Dự án Cảng Liên Chiểu, Dự án cao tốc Hòa Liên – Túy Loan, ngoài ra là một loạt các dự án kè sông tại nhiều vị trí xung yếu... Nguồn cung đá xây dựng, đá hộc khan hiếm do nhiều mỏ chưa được nâng công suất khai thác.
Để khắc phục tình trạng khan hiếm đá xây dựng, đá hộc; mới đây ông Lê Quang Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã ký quyết định điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản đối với Công ty TNHH Xây dựng Trường Bản, doanh nghiệp đang khai thác mỏ đá tại khu vực xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang. Động thái này không chỉ liên quan đến công tác quản lý tài nguyên khoáng sản mà còn là một phần trong nỗ lực thúc đẩy các dự án trọng điểm và giải ngân vốn đầu tư công đúng tiến độ, góp phần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cho các công trình đang triển khai.
Tại quyết định nêu trên, UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu Công ty Trường Bản cung cấp toàn bộ khối lượng khoáng sản khai thác phục vụ cho Dự án cao tốc Hòa Liên – Túy Loan, và các dự án đầu tư công động lực, trọng điểm trên địa bàn thành phố. Đây là nội dung quan trọng mà UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu chủ mỏ đá nghiêm túc thực hiện.
Mỏ đá Trường Bản được nâng công suất để phục vụ Dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan và các công trình trọng điểm trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Liên quan đến nguồn cung cấp đá xây dựng, đá hộc; mới đây Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông và nông nghiệp Đà Nẵng vừa công bố kết quả đấu thầu gói thi công kè chống sạt lở khẩn cấp tại các tuyến sông trọng yếu. Gói thầu này có giá trị hơn 162 tỉ đồng, thu hút 4 nhà thầu tham gia. Trong đó, liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Khánh Anh cùng Công ty CP Xây dựng Đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương đã trúng thầu với mức giá 157,3 tỉ đồng.
Đáng chú ý, hai trong số các nhà thầu bị loại ngay từ vòng đánh giá kỹ thuật do không chứng minh được khả năng cung ứng đá hộc – vật liệu then chốt cho dự án. Trong bối cảnh thị trường vật liệu tại Đà Nẵng và Quảng Nam đang thiếu hụt nghiêm trọng vật liệu này, đây là tiêu chí quyết định. Liên danh Tổng công ty Xây dựng Nông nghiệp Thanh Hóa – Công ty CP Xây dựng Thương mại Thới Bình chỉ nộp được hợp đồng nguyên tắc với một số mỏ đá tại Huế nhưng thiếu phương án vận chuyển và tổ chức thi công cụ thể. Trong khi đó, Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô chọn mỏ đá cách công trình 100 km và cũng không làm rõ được phương án vận chuyển cũng như năng lực của đơn vị thi công.
Việc tăng giá "phi mã", khan hiếm vật liệu xây dựng trên địa bàn Đà Nẵng cần được có phương án giải quyết sớm trong bối cảnh các công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố đang tăng tốc về đích. Nếu không được can thiệp kịp thời, việc tăng giá vật liệu và thiếu hụt nguồn cung có thể khiến các dự án trọng điểm của Đà Nẵng bị đình trệ kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch phát triển hạ tầng và phục hồi kinh tế của thành phố trong năm 2025.
Thanh Hiếu
Nguồn PetroTimes : https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/gia-vat-lieu-xay-dung-tai-da-nang-tang-phi-ma-nhieu-cong-trinh-doi-mat-nguy-co-tam-dung-727816.html