Thời điểm tháng 5, vợ chồng anh Trần Văn Hải (xã Ba Vì, Hà Nội) đã khởi công công trình xây dựng nhà ở trên thửa đất bố mẹ để lại. Số tiền anh chị dự tính phải chi là khoảng 1,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi công trình vừa khởi công thì đại lý báo giá gạch xây dựng tăng từ 1.200 đồng/viên lên 1.500 đồng/viên, rồi 1.800 đồng/viên.
Tương tự, giá cát xây dựng (cát đen) cũng tăng từ 210.000 đồng/m³ lên 380.000 đồng/m³, thậm chí có thời điểm lên đến 450.000 đồng/m³. Trong khi đó, giá cát vàng (cát đổ bê tông) cũng tăng gần gấp đôi từ khoảng 450.000 đồng/m³ hồi đầu năm lên trên 900.000 đồng/m³.
Giá các loại vật liệu xây dựng thông thường khác như xi măng, sắt thép hay bê tông thương phẩm (bê tông tươi - trộn sẵn) cũng tăng đáng kể khiến phương án tài chính ban đầu mà vợ chồng anh dự tính có nguy cơ lớn bị đổ bể.
“Vợ chồng tôi rất lo lắng khi chi phí xây dựng bị đội lên quá cao. Nếu xây dựng tiếp thì số tiền tích góp không đủ, còn nếu ngừng xây dựng thì công trình lại dở dang”, anh Hải chia sẻ.
Cũng theo anh Hải tính toán, số tiền bị đội lên khi giá vật liệu xây dựng tăng là khoảng 300 - 400 triệu đồng.
Chi phí xây dựng đội lên khiến nhiều người dân và doanh nghiệp lo lắng. (Ảnh minh họa)
Tương tự, vợ chồng ông Đinh Tuấn Linh (Bắc Ninh) cũng sốt ruột khi đang xây nhà thì giá vật liệu bất ngờ tăng đột biến. Theo đó, đầu năm, vợ chồng ông động thổ xây căn nhà hai tầng trên diện tích 90 m² cho người con trai. Thời điểm đó, giá cát ông Linh mua ở mức 280.000 đồng/m³. Ông Linh dự toán mất 10 tháng xây xong căn nhà với số tiền khoảng 1,4 - 1,5 tỷ đồng.
Thế nhưng khoảng 2 tháng trở lại đây giá cát tăng một cách “chóng mặt” ở mức 360.000 - 400.000 đồng/m³. Ngoài ra, một số vật liệu xây dựng khác như gạch, sắt, xi măng cũng tăng giá. Tính toán lại, chi phí căn nhà ông Linh đang xây dựng tăng thêm ít nhất 400 triệu đồng.
Theo ông Linh, thời điểm ra Tết người dân xây nhà rất nhiều, riêng quanh khu vực đã có 8 ngôi nhà đang xây, ai cũng lo lắng vì giá các loại vật liệu "phi mã". Ông Linh nhẩm tính số tiền tăng thêm cho chi phí vật liệu xây dựng cũng khoảng 200 - 300 triệu đồng.
“Gia đình tôi dự tính xây nhà từng ấy tiền nhưng giờ chi phí tăng thêm do giá vật liệu xây dựng xây tăng nên lại phải đi vay mượn họ hàng để sớm hoàn thiện. Chỉ mong giá không tiếp tục tăng nữa", ông Linh tâm sự.
Không chỉ các hộ dân mà nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi thi công các công trình xây dựng và giao thông. Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển HUGIA chia sẻ, giai đoạn này, giá vật liệu xây dựng đang tăng 15 - 20% so với tháng trước, đặc biệt là đá và cát, khiến công ty của ông rất chật vật vì chi phí bị đội lên đáng kể.
Theo ông Nam, giá đá xây dựng và cát tính đến chân công trình dao động từ 470.000 - 500.000 đồng/m³, song cũng khan hiếm. Hiện, nhà thầu chưa tìm ra giải pháp khắc phục, vẫn phải chấp nhận mua vật liệu với giá cao để đảm bảo tiến độ công trình.
Đồng quan điểm, Giám đốc một doanh nghiệp xây dựng cũng chia sẻ, công ty của ông vừa trúng gói thầu xây dựng đường nội bộ cho một khu công nghiệp, nhưng tính toán lại thì riêng phần cát san lấp đã tăng gần 400 triệu đồng so với thời điểm dự thầu. Nếu giữ nguyên đơn giá, công ty ông không có lợi nhuận.
"Thực tế, đã có một số chủ đầu tư tại các tỉnh miền Bắc kiến nghị điều chỉnh hợp đồng hoặc giãn tiến độ thi công vì không cân đối được chi phí", vị này chia sẻ.
TS Trần Xuân Lượng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam cho biết, giá vật liệu xây dựng tăng đang tạo áp lực đáng kể lên chi phí xây dựng công trình, từ đó ảnh hưởng đến mặt bằng giá nhà ở và các sản phẩm bất động sản mới. Tuy nhiên, mức độ tác động còn tùy thuộc vào từng loại vật liệu, mức độ phụ thuộc nhập khẩu và năng lực sản xuất trong nước.
"Hiện nay, giá căn hộ sơ cấp tại TP.HCM và Hà Nội tăng trung bình 4-8% trong 6 tháng đầu năm 2025, trong đó chi phí vật liệu là một trong nhiều yếu tố cấu thành", ông Lượng nhấn mạnh.
Báo cáo mới đây của Cục Thống kê cũng cho thấy, trong tháng 6, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,42% so với tháng trước và tăng 7,23% so với cùng kỳ năm trước.
Bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê cũng xác nhận có đến 57,2% số doanh nghiệp được khảo sát cho thấy khó khăn lớn nhất trong quý II là giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao.
Vì sao giá vật liệu xây dựng 'phi mã'?
Giá vật liệu xây dựng tăng sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng giá nhà.
Lý giải về việc giá vật liệu xây dựng tăng mạnh, bà Hương cho rằng, một trong những nguyên nhân của thực trạng này là đầu tư công dồn dập vào các dự án hạ tầng lớn (cao tốc, cảng, sân bay…) khiến nhu cầu cát, đá, thép, xi măng tăng đột biến. Trong khi nguồn cát và đá phục vụ xây dựng ở một số địa phương còn xảy ra hiện tượng khan hiếm cục bộ, do tình trạng thiếu nguồn cung cấp: mỏ hết hạn, bị gián đoạn hai thác, sạt lở…
Tuy vậy đại diện Cục Thống kê khẳng định nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ xây dựng vẫn dồi dào, thể hiện ở chỉ số sản xuất các ngành sản xuất vật liệu xây dựng (sắt thép, xi măng, bê tông…) vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực trong 6 tháng đầu năm, đáp ứng đủ cho nhu cầu xây dựng của các doanh nghiệp và hộ dân cư.
Một nguyên nhân nữa làm giá vật liệu xây dựng tăng theo bà Hương đó là chi phí nguyên liệu đầu vào - năng lượng - vận chuyển tăng như: Giá thép tăng nhẹ do giá phôi, quặng sắt thế giới tăng; Giá nhựa đường cũng tăng do xăng dầu tăng và chi phí vận chuyển tăng nhẹ, Đối với xi măng, dù giá tương đối ổn định trong tháng 6, nhưng chi phí nguyên liệu và điện than tăng khiến áp lực chi phí gia tăng.
Ngoài ra, tâm lý tích trữ hàng hóa tại một số đại lý, doanh nghiệp trung gian cũng góp phần đẩy giá vật liệu lên trong ngắn hạn.
"Biến động giá vật liệu xây dựng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành xây dựng. Chi phí đầu vào tăng làm tăng tổng chi phí thi công, ảnh hưởng đến lợi nhuận và hiệu quả tài chính của các hợp đồng đã ký theo đơn giá cố định.
Nếu giá tăng cao trong thời gian dài có thể làm chậm tiến độ thi công của các công trình, buộc các chủ đầu tư, nhà thầu phải điều chỉnh kế hoạch tài chính, tiến độ và công nghệ", bà Hương nhận định.
Cùng quan điểm, ông Phạm Văn Bắc, Phó chủ tịch Hội vật liệu xây dựng Việt Nam cũng cho rằng, thời gian qua liên tiếp các dự án hạ tầng lớn được đầu tư gồm cao tốc, cảng biển, sân bay... cùng loạt khu đô thị, dự án bất động sản triển khai dọc cả nước khiến nhu cầu cát, đá, thép, xi măng tăng. Trong khi đó, nguồn cung ở nhiều địa phương có xu hướng khan hiếm do mỏ hết hạn, bị gián đoạn khai thác vì quá trình cấp phép chậm trễ, ách tắc, ảnh hưởng đến việc cung ứng ra thị trường.
"Nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu lớn đã đẩy giá vật liệu xây dựng tăng nóng trong nhiều tháng", ông Bắc cho hay.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho biết, giá vật liệu xây dựng hiện nay đang là vấn đề lớn của ngành xây dựng và các nhà thầu. Bởi, có những vật liệu tăng đến 40% giá trị, như cát xây dựng, gạch đỏ… Không những thế mà còn khan hiếm.
Lý giải về vấn đề này, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, giai đoạn 2021-2022, tình hình xây dựng của nước ta đang chậm, khiến lượng tiêu thụ và giá vật liệu xây dựng thấp do không có nhiều công trình. Tuy nhiên, từ năm 2024 đến nay, nhiều thể chế, pháp lý được cởi trói, thị trường bất động sản được tháo gỡ khó khăn, số lượng dự án tăng nhanh. Đặc biệt có nhiều đại dự án được triển khai, thu hút số lượng lớn vật tư, vật liệu. Từ đó, vật liệu xây dựng thiếu hụt do ít nguồn cung trong khi nguồn cầu cao.
Hiện nay, do tình hình vật liệu xây dựng gặp khó khăn nên các nhà thầu đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Bởi vì tại nhiều dự án hợp đồng ký kết với đơn giá cố định. Nhà thầu tiếp tục làm thì lỗ, còn nếu dừng lại thì thiệt hại cũng rất nặng nề.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cần có chính sách, kế hoạch để tăng nguồn cung vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, cần có cơ chế kiểm tra đơn giá vật liệu xây dựng mà các tỉnh công bố có sát với thực tế không, để đảm bảo thuận lợi cho việc thi công của các nhà thầu và tiến độ triển khai công trình.
Châu Anh