Giá xăng dầu thế giới giữ sắc xanh. Ảnh: Int
Giá xăng dầu thế giới
Theo Reuters, cả dầu Brent và WTI bắt đầu tuần giao dịch mới trong sắc xanh. Giá dầu đã cắt đứt chuỗi 2 tuần giảm trong tuần trước bằng cú bật tăng hơn 4%, được hỗ trợ bởi kỳ vọng về bước đột phá trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc, rủi ro địa chính trị gia tăng ở Trung Đông khi Israel tiếp tục tấn công các mục tiêu của lực lượng Houthi và một "thỏa thuận đột phá" về thương mại đạt được giữa Mỹ và Anh.
Cũng trong tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức cao 4,25 - 4,5% sau phiên họp chính sách kết thúc vào ngày 7/5, cảnh báo rủi ro lạm phát và thất nghiệp tăng. Theo Fed, nền kinh tế nhìn chung tiếp tục tăng trưởng vững chắc, thị trường lao động vẫn mạnh và lạm phát "ở mức cao” và Fed cần tiếp tục chờ đợi và quan sát. Sự thay đổi trong chính sách của Fed sẽ phụ thuộc vào việc rủi ro nào trong hai yếu tố thất nghiệp và lạm phát trở thành hiện thực. Nếu cả hai yếu tố cùng tăng, Fed sẽ phải chọn một ưu tiên. Nếu thị trường lao động suy yếu, Fed sẽ có cơ sở để giảm lãi suất. Ngược lại, nếu lạm phát tăng, Fed sẽ phải tiếp tục thắt chặt tiền tệ.
Đáng chú ý là ngày 8/5, 3 ngày trước khi vòng đàm phát hạt nhân thứ tư giữa Mỹ và Iran diễn ra tại Oman ngày 11/5 nhằm giải quyết những căng thẳng xoay quanh chương trình hạt nhân của Tehran, trong bối cảnh Washington gia tăng phản đối việc Iran làm giàu uranium và Israel theo dõi sát sao diễn biến, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với nhà máy lọc dầu độc lập thứ ba của Trung Quốc vì mua dầu thô của Iran.
Cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đánh giá cuộc đàm phán với Trung Quốc diễn ra ngày 10/5 tại Geneva, Thụy Sĩ là “một sự tái thiết lập toàn diện” quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc và đã đạt được tiến bộ lớn. Hai bên đã khởi động cuộc họp cấp cao về các vấn đề kinh tế và thương mại với sự tham dự của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong, người phụ trách các vấn đề kinh tế và thương mại Mỹ - Trung Quốc. Hai ngày đàm phán đã kết thúc với kết quả tích cực nhưng không bên nào đề cập đến bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến cắt giảm thuế quan. Thị trường sẽ hướng sự chú ý đến tuyên bố chung sẽ được công bố vào hôm nay, ngày 12/5.
Tuần này, thị trường sẽ tập trung vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ để có thêm thông tin về xu hướng lạm phát. Trong khi đó, doanh số bán lẻ tháng 4 của Mỹ được công bố vào ngày 15/5 sẽ cung cấp thông tin mới nhất về chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ.
"Thuế quan sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến dữ liệu lạm phát vào tháng 4, với bằng chứng rõ ràng hơn có thể xảy ra vào tháng 5 và tháng 6", các nhà kinh tế của Ngân hàng Mỹ cho biết trong một lưu ý. Các nhà kinh tế này dự kiến lạm phát do thuế quan thúc đẩy sẽ chỉ là tạm thời. Còn theo Matthew Miskin, đồng chiến lược gia đầu tư tại Manulife John Hancock Investments, nếu CPI tăng cao hơn dự kiến và doanh số bán lẻ không đạt ước tính, điều này có thể làm dấy lên lo ngại về "lạm phát đình trệ" - tình trạng kết hợp giữa tăng trưởng chậm chạp và lạm phát không ngừng.
Ngoài ra, diễn biến ở Trung Đông cũng sẽ có tác động nhất định đến giá dầu trong tuần.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 12/5/2025 được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 8/5 của liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương.
Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 giảm 377 đồng/lít, không cao hơn 18.777 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm 407 đồng/lít, không cao hơn 19.179 đồng/lít.
Tương tự, các loại dầu cũng giảm. Dầu diesel giảm 550 đồng/lít, không cao hơn 16.809 đồng/lít; dầu hỏa giảm 623 đồng/lít, không cao hơn 16.941 đồng/lít; dầu mazut giảm 665 đồng/kg, không cao hơn 15.533 đồng/kg.
Ở kỳ điều chỉnh hôm nay, cơ quan điều hành tiếp tục không trích lập, không chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với tất cả các mặt hàng.
Phú An