Giá dầu thế giới
Tuần này giá dầu đã lấy lại được khoảng 1/2 “mất mát” của 2 tuần “trượt dốc” trước đó. Với mức đóng cửa 67,96 USD/thùng, dầu Brent đã “bỏ túi” 3,2 USD, tương đương 4,9%. Dầu WTI cũng tăng 3,18 USD, tương đương 5,17%, kết thúc tuần ở mức 64,68 USD/thùng.
Tuần này, giá dầu đã chấm dứt chuỗi giảm của 2 tuần trước đó. Ảnh minh họa: Energy Now
Tuần này, ngày 17-4 là ngày giao dịch cuối cùng của tuần do kỳ nghỉ lễ Phục sinh nên ngày giao dịch dừng ở con số 4 thay vì 5 như thường lệ.
Theo Oilprice, các hạn ngạch bồi thường mới của OPEC+, lệnh trừng phạt chặt chẽ hơn của Mỹ đối với Iran và dữ liệu kinh tế vĩ mô tương đối lạc quan của tháng 3 là những yếu tố thúc đẩy tâm lý trong ngắn hạn, hỗ trợ giá dầu xác lập tuần tăng đầu tiên trong 3 tuần qua.
Ngay phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu gần như đi ngang nhưng vẫn ghi nhận mức tăng tối đa 12 cent sau thông tin một số thiết bị điện tử được miễn thuế quan của Mỹ và dữ liệu cho thấy lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 3.
Theo dữ liệu được công bố ngày 14-4, lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc đã phục hồi mạnh mẽ trong tháng 3, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ vào nguồn dầu từ Iran và sự phục hồi trong hoạt động giao hàng của Nga.
Chính sách thương mại không ổn định của Mỹ tạo ra sự bất ổn cho thị trường dầu mỏ toàn cầu, buộc OPEC phải hạ triển vọng nhu cầu dầu thế giới trong năm. Điều này đã đẩy giá dầu trượt nhẹ 21 cent ở phiên giao dịch thứ 2 của tuần.
Lo ngại về nguồn cung toàn cầu sau khi Washington ban hành lệnh trừng phạt mới nhằm vào các nhà nhập khẩu dầu Iran của Trung Quốc, hy vọng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ hạ nhiệt, đồng USD yếu, dữ liệu tồn kho dầu lạc quan của Mỹ là một loạt những yếu tố hỗ trợ giá dầu bật tăng gần 2% lên mức cao nhất trong 2 tuần trong phiên giao dịch thứ 3 của tuần.
Oilprice cho biết, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành lệnh trừng phạt mới nhằm hạn chế xuất khẩu dầu của Iran, bao gồm cả Nhà máy lọc dầu Shengxing Chemical có trụ sở tại tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) vì đã mua hơn 1 tỷ USD dầu thô của Iran. Đây là nhà máy lọc dầu thứ 3 của Trung Quốc bị áp dụng lệnh trừng phạt trực tiếp.
Trong tuần, có nhiều yếu tố hỗ trợ giá dầu bật tăng. Ảnh minh họa: Reuters
Đà tăng của giá dầu kéo dài sang phiên giao dịch thứ 4 và cũng là phiên giao dịch cuối cùng của tuần. Trong phiên này, giá dầu tăng hơn 3%, được hỗ trợ bởi hy vọng về một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) và gia tăng lo ngại về nguồn cung sau lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm hạn chế xuất khẩu dầu của Iran.
Reuters đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã có cuộc gặp mặt tại Washington. Cả hai nhà lãnh đạo đã bày tỏ lạc quan về việc giải quyết căng thẳng thương mại gây ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ - châu Âu.
Với mức tăng cả tuần khoảng 5%, dầu Brent và WTI đều đã có một tuần bật tăng khá ấn tượng.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 19-4 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 18.498 đồng/lít.
Xăng RON 95-III không quá 18.856 đồng/lít.
Dầu diesel không quá 17.037 đồng/lít.
Dầu hỏa không quá 17.184 đồng/lít.
Dầu mazut không quá 15.960 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 17-4. Do giá xăng dầu thế giới tuần trước giảm nên giá xăng dầu trong nước cũng tiếp đà giảm. Giá xăng E5 RON 92 giảm 384 đồng/lít, xăng RON 95-III giảm 351 đồng/lít, dầu diesel giảm 206 đồng/lít, dầu hỏa giảm 229 đồng/lít. Duy chỉ có dầu mazut tăng 58 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ tiếp tục không trích lập, không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5 RON 92, xăng RON 95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 16 phiên điều chỉnh, trong đó 7 phiên giảm, 6 phiên tăng và 3 phiên trái chiều.
MAI HƯƠNG