Giá dầu thế giới
Giá dầu tiếp tục tăng do cuộc chiến leo thang ở Ukraine trong tuần này làm tăng mức rủi ro địa chính trị của thị trường.
Tuần trước, nguy cơ leo thang xung đột Nga - Ukraine là tâm điểm khiến các nhà đầu tư lo lắng và cũng là yếu tố chính hỗ trợ giá dầu tăng vọt hơn 5%. Một số yếu tố thúc đẩy giá, bao gồm sản lượng giảm tại một số mỏ dầu, khả năng nhập khẩu dầu của Trung Quốc trong tháng 11 tăng.
Nhà phân tích Ole Hansen của Ngân hàng Saxo cho biết: "Sự leo thang giữa Nga và Ukraine đã làm gia tăng căng thẳng địa chính trị vượt xa mức độ từng thấy trong cuộc xung đột kéo dài một năm giữa Israel và các chiến binh được Iran hậu thuẫn".
Giá dầu tiếp tục đi lên. (Ảnh: Whichcar).
Liên quan đến nguồn cầu, Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã công bố các biện pháp chính sách trong tuần này nhằm thúc đẩy thương mại, bao gồm hỗ trợ nhập khẩu sản phẩm năng lượng, trong bối cảnh lo ngại Mỹ sẽ áp thuế cao đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo các nhà phân tích, thương nhân và dữ liệu theo dõi tàu biển, lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 11 dự kiến sẽ phục hồi. Lượng dầu nhập khẩu ở Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu dầu lớn thứ 3 thế giới, cũng tăng do mức tiêu thụ trong nước tăng.
Giá xăng dầu trong nước
Ở kỳ điều hành ngày 21/11, giá xăng E5 giảm 109 đồng/lít, không cao hơn 19.343 đồng/lít. Giá xăng RON95 giảm 79 đồng/lít, không cao hơn 20.528 đồng/lít.
Giá dầu diesel giảm 64 đồng/lít, về mức 18.509 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 67 đồng/lít, xuống 18.921 đồng/lít. Riêng giá dầu mazut tăng 5 đồng/kg, không cao hơn 16.014 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục không trích lập, không chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng.
Ngọc Vy