Giá dầu thế giới tăng nhẹ. Ảnh: Int
Giá xăng dầu thế giới
Tuần này, giá dầu đã quay đầu hạ nhiệt với dầu Brent giảm 1,6% xuống mức 66,87 USD/thùng, dầu WTI giảm 2,6% xuống mức 63,02 USD/thùng.
Ngay phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu giảm hơn 2% sau những dấu hiệu cho thấy có sự tiến triển trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran, trong bối cảnh các nhà đầu tư vẫn lo ngại nhu cầu nhiên liệu giảm bởi những bất lợi kinh tế từ thuế quan. Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Iran, trong các cuộc đàm phán, Mỹ và Iran đã nhất trí bắt đầu soạn thảo khuôn khổ cho một thỏa thuận hạt nhân tiềm năng.
Tuy nhiên, sang phiên giao dịch thứ 2 của tuần, giá dầu đã nhanh chóng quay đầu lấy lại được gần hết toàn bộ những “mất mát” của phiên giao dịch trước. Tại phiên này, giá dầu “bỏ túi” xấp xỉ 2%, được hỗ trợ bởi việc Mỹ ban hành lệnh trừng phạt mới nhằm vào ông trùm vận chuyển dầu thô và khí dầu mỏ hóa lỏng của Iran Seyed Asadoollah Emamjomeh cùng mạng lưới công ty của ông ta, và sự tăng trên thị trường chứng khoán. Lý giải về lệnh trừng phạt mới của Mỹ, John Kilduff, đối tác tại Again Capital có trụ sở tại New York cho biết, trong 2 trường hợp một là Mỹ đạt được thỏa thuận hạt nhân nào đó với Iran, hai là Mỹ sẽ cố gắng đẩy dòng dầu của Iran xuống mức 0, viễn cảnh đang ngày càng giống với kịch bản thứ hai.
Thông tin OPEC+ sẽ xem xét tăng sản lượng dầu vào tháng 6 đã đẩy giá dầu trượt dốc khoảng 2% ở phiên giao dịch thứ 3 của tuần, từ bỏ toàn bộ mức tăng đầu phiên. Kiềm chế giá dầu lao dốc sâu trong phiên là báo cáo cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể cắt giảm thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo đó, thuế quan đối với Trung Quốc có thể sẽ giảm xuống còn 50% đến 65%, tùy thuộc vào mức độ đàm phán thành công với Bắc Kinh.
Đồng USD yếu cùng các tin tức kinh tế trái chiều đã hỗ trợ giá dầu tăng chưa đến 1% ở phiên giao dịch thứ 4 của tuần. Theo Reuters, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ đã tăng nhẹ vào tuần trước, cho thấy thị trường lao động vẫn vững mạnh bất chấp tình hình kinh tế bất ổn do thuế quan. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết cần thêm thông tin để xác định mức thuế quan thương mại đang ảnh hưởng đến nền kinh tế như thế nào và không thấy cần phải thay đổi chính sách tiền tệ.
Giá dầu tiếp tục tăng nhẹ chưa đến 0,5% ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần, được hỗ trợ bởi thông tin Trung Quốc cho phép một số dược phẩm do Mỹ sản xuất vào nước này không phải trả mức thuế 125% mà Bắc Kinh áp dụng từ đầu tháng.
Mặc dù tăng ở 2 phiên giao dịch cuối của tuần, nhưng mức tăng khá khiêm tốn nên giá dầu đã không thể kéo dài đà tăng của tuần trước, chính thức ghi nhận một tuần giảm tốc.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 27/4/2025 được áp dụng theo phiên điều chỉnh từ 15h ngày 24/4 của liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương.
Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng 740 đồng/lít, lên mức 19.238 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 782 đồng/lít, lên mức 19.638 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu diesel 0.05S: tăng 487 đồng/lít, lên mức 17.520 đồng/lít; dầu hỏa tăng 531 đồng/lít, ở mức 17.715 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 564 đồng/kg, lên mức 16.524 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này liên Bộ Công Thương - Bộ Tài chính không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.
Như vậy, tính từ đầu năm 2025 đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 17 phiên điều chỉnh, trong đó có 7 phiên giảm, 7 phiên tăng và 3 phiên trái chiều.
Phú An