Các chuyên gia cho biết, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần (ngày 2/5), giá dầu giảm hơn 1% và ghi nhận mức giảm hằng tuần lớn nhất kể từ cuối tháng 3. Giá dầu giảm khi các nhà giao dịch tỏ ra thận trọng trước cuộc họp của OPEC+ để quyết định chính sách sản lượng của nhóm trong tháng 6.
Giá dầu Brent giảm 84 cent, tương đương 1,4%, xuống mức 61,29 USD/thùng. Ảnh minh họa
Giá dầu Brent giảm 84 cent, tương đương 1,4%, xuống mức 61,29 USD/thùng. Còn WTI giảm 95 cent, tương đương 1,6%, xuống mức 58,29 USD/thùng.
Tính cả tuần, giá dầu Brent giảm hơn 8%, giá dầu WTI lao dốc khoảng 7,7%.
Theo Reuters, cuộc họp của OPEC+ sẽ diễn ra vào hôm nay (3/5), sớm hơn ngày so với kế hoạch ban đầu. Lý do kế hoạch bị thay đổi không được tiết lộ.
Các thành viên của OPEC+ đang cân nhắc xem có nên tăng thêm sản lượng dầu vào tháng 6 hay giữ nguyên mức tăng của tháng 5.
Dù thế nào đi nữa, các nhà giao dịch dầu mỏ cũng đã chuẩn bị cho nguồn cung lớn hơn từ nhóm này, vào thời điểm lo ngại suy thoái kinh tế do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến các chuyên gia thị trường hạ thấp kỳ vọng tăng trưởng nhu cầu trong năm nay.
Chuyên gia năng lượng Scott Shelton của United ICAP cho biết, thị trường hiện nay phụ thuộc hoàn toàn vào OPEC, ngay cả cuộc chiến thuế quan cũng không còn là vấn đề quan trọng nữa.
Trước đó, Reuters đưa tin các quan chức của Saudi Arabia, quốc gia lãnh đạo trên thực tế của OPEC+, đã thông báo với các đồng minh và chuyên gia trong ngành rằng họ không muốn hỗ trợ thị trường dầu mỏ bằng cách cắt giảm nguồn cung thêm nữa.
OPEC+ hiện đang cắt giảm sản lượng hơn 5 triệu thùng/ngày.
Các nhà giao dịch cũng thận trọng trước khả năng hạ nhiệt tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, sau khi Bắc Kinh ngày 2/5 cho biết họ đang đánh giá đề xuất từ Washington về việc đàm phán để giải quyết vấn đề thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trưởng nhóm nghiên cứu tại Onyx Capital Group Harry Tchilinguirian nhận xét, có sự lạc quan khi nói đến quan hệ Mỹ - Trung nhưng các dấu hiệu vẫn còn rất mơ hồ.
Theo nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS, hạn chế đà giảm của giá dầu trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần là thị trường chứng khoán ghi nhận sắc xanh sau khi dữ liệu việc làm của Mỹ cho thấy trong tháng 4, thị trường lao động Mỹ vẫn kiên cường trước biến động thuế quan. Cục Thống kê Lao động của Bộ Lao động Mỹ cho biết, bảng lương phi nông nghiệp đã tăng 177.000 việc làm vào tháng 4, cao hơn so với dự báo tăng 130.000 việc làm của các nhà kinh tế.
Lời đe dọa của ông Trump về việc áp lệnh trừng phạt thứ cấp đối với những người mua dầu của Iran cũng giúp giảm bớt một số áp lực lên giá dầu vì có thể khiến nguồn cung dầu toàn cầu thắt chặt hơn.
Nhà phân tích dầu mỏ Alex Hodes của StoneX cho biết, các dấu hiệu cho thấy sản lượng dầu của Mỹ chậm lại cũng có thể hỗ trợ phần nào cho giá dầu, xét về góc độ dài hạn.
Dữ liệu từ nhà cung cấp dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes cho thấy, trong tuần này, số lượng giàn khoan dầu của Mỹ, một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai, đã giảm xuống còn 479 giàn khoan, mức giảm đầu tiên trong vòng 3 tuần qua.
Giá xăng dầu trong nước hôm nay đang được áp dụng theo giá ở kỳ điều hành ngày 24/4. Theo đó, xăng E5 RON92 tăng 740 đồng/lít, không cao hơn 19.238 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng 782 đồng/lít, không cao hơn 19.638 đồng/lít.
Giá các loại dầu cũng đồng loạt tăng: dầu diesel tăng 487 đồng/lít, không cao hơn 17.524 đồng/lít; dầu hỏa tăng 531 đồng/lít, không cao hơn 17.715 đồng/lít; dầu mazut tăng 564 đồng/kg, không cao hơn 16.524 đồng/kg.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 17 phiên điều chỉnh, trong đó có 7 phiên giảm, 7 phiên tăng và 3 phiên trái chiều.
Nguyên Dương