Nam tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành cây trồng, Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Ngày nhận bằng, thầy Hiển - người đã theo sát đề tài của cậu đặt tay lên vai Nam, ánh mắt nghiêm mà dịu:
- Ở lại nghiên cứu nhé! Chè Thái Nguyên đang cần người như em.
Nam cúi đầu vâng lời, nắm chặt tay thầy cảm kích. Giấc mơ của cậu chưa từng rời khỏi những đồi chè xanh bất tận.
Thời gian làm việc tại Viện Nghiên cứu trôi êm như dòng sông Cầu thơ mộng. Nam được cử đi phục tráng giống chè trung du, tên tuổi dần vang xa. Người ta gọi cậu là “mầm chè trẻ” - niềm hy vọng của ngành chè Thái Nguyên.
Nhưng, khi mọi người nghĩ Nam sẽ tiến xa trên con đường học thuật, cậu đột ngột nộp đơn xin nghỉ. Lý do vỏn vẹn một dòng:
“Em xin lỗi thầy. Em muốn tự mình đi tìm nguồn gốc giống chè cổ tại Thái Nguyên”.
Thầy Hiển không tin nổi. Ông gọi Nam lên, nỗi thất vọng đọng lại trong từng nếp nhăn nơi khóe mắt:
- Em đang có tất cả: danh, vị, cơ hội. Em phải hiểu là vị trí công việc của em bây giờ thuận lợi cho em tìm kiếm, nghiên cứu cây chè cổ, tại sao em không kết hợp cả hai?
Nam né tránh câu hỏi, im lặng, trong ánh mắt ấy - có một thứ gì đó sâu hơn cả đam mê: Niềm tin vào một điều không ai hiểu được…
Nga - người yêu của Nam từ thuở sinh viên cũng bất ngờ khi nghe tin ấy, nhưng cô không phản đối. Nỗi buồn trong mắt cô… mỏng như sương nhưng lạnh như đá.
* * *
Chỉ có chiếc ba lô cũ, một cuốn sổ dày và một vài trang bị cá nhân tối thiểu nhất Nam lang thang khắp các núi rừng ở Thái Nguyên. Còn Nga, có đôi lần đi bên anh, lặng lẽ mang theo bình nước nóng và khăn choàng tự tay cô đan trong mùa đông lạnh giá, chiếc quạt gấp vào mùa hè oi ả. Nhưng Nga chẳng theo mãi được, cô đứng nơi chân núi nhìn bóng Nam chìm trong cánh rừng già rậm rạp.
– Em à, cánh rừng này chắc sẽ có cây chè cổ, ước phải vài trăm năm tuổi? Người dân nghi ngờ nhưng chưa từng ai nắm rõ. Anh sẽ tìm được nó. Cây chè cổ là linh hồn của rừng đấy!
Nga khẽ gật. Cô không dám ngước lên nhìn Nam vì khóe mắt cô ngấn lệ, giọng cô lạc trong gió:
- Liệu bao giờ anh quay về?
Nam lặng im. Anh quay bước lên rừng, ánh mắt và đôi chân kiên định, dấn sâu.
* * *
Ba năm. Ba mùa hoa chè vàng lối nhỏ. Tình yêu của họ cũng dần rệu rã như lớp rêu phủ gốc chè già.
Nơi bìa rừng, trong túp lều trơ trọi của Nam, Nga hỏi, giọng khản đặc:
- Anh định sống kiểu này đến bao giờ?
Nam sững lại.
Nga khóc, cô không thể kìm nén chịu đựng suốt ba năm qua.
- Ba năm qua, em không đi đâu. Em vẫn ở đây, bên anh. Nhưng chờ đợi không phải là yêu. Đó là nỗi đau.
Nam vẫn không nói. Anh khoác ba lô đi vào rừng dù trời đã sẩm tối.
* * *
Nam không quay lại căn lều đó nữa. Anh tiếp tục rong ruổi khắp các núi rừng của Thái Nguyên: Định Hóa, Võ Nhai, Đại Từ... Một hôm, sau khi bị ướt sũng vì cơn mưa bất chợt, Nam bị sốt. Người anh mệt rã rời, đôi mắt mờ ảo, họng khô cháy. Nam lịm đi.
Trong giấc mơ, ông nội đến bên Nam, dắt tay anh bay qua những cánh rừng đại ngàn. Đến bên gốc một cây cổ thụ, Nam quờ tay, hoa, quả chè rụng đầy gốc. Nam đưa quả chè nhấp lên miệng, vị ngọt nơi cuống họng, mê đắm.
Ký ức ùa về trong Nam. Hôm ông nội ho nặng, bệnh viện trả về, ông kéo tay Nam thì thầm:
- Ông nhớ vị chè cổ trên rừng của Thái Nguyên mình. Loại chè ấy... từng cứu ông trong chiến tranh - Mắt ông hướng về phía núi.
Ông thì thầm nhỏ quá. Nam chỉ nhớ ông kể ngày còn bộ đội bị ngã bệnh, một thiếu nữ người Tày đã nấu cho ông thứ nước chè rừng. Mấy hôm sau, ông nội Nam khỏe như chưa từng bao giờ ốm.
Nam ngước lên trời chiều, thấy thấp thoáng ánh mắt ông nội năm nào - và cả một điều thiêng liêng chưa từng gọi tên: Lời hứa giữa những người sống và những người đã khuất - “Con sẽ tìm chè về cho ông”…
Cuối cùng, anh quyết định chỉ tìm xung quanh núi Tam Đảo, nơi mắt ông nội hướng tới, tay ông dẫn anh đi trong giấc mơ.
Một chiều, giữa rừng sâu, Nam gục xuống dưới một gốc chè cổ. Cây khổng lồ, thân sần sùi, rêu phủ dày đặc. Anh vò nhẹ một lá chè - hương thơm lan tỏa: vừa đắng, vừa thanh, vừa gợi… ký ức.
* * *
Một năm ròng Nam gửi hồ sơ đi khắp nơi. Tự đi lấy mẫu, xét nghiệm, đối chiếu gen. Có lúc tưởng chừng tuyệt vọng. Rồi một ngày, điện thoại reo: “Quần thể chè cổ thụ núi Bóng - thuộc nhóm giống bản địa quý hiếm, cần bảo tồn cấp quốc gia.”
Ngày công bố, rừng Minh Tiến rợp cờ đỏ, người dân bản kéo đến như hội. Nam trong bộ sơ mi trắng, cài huy hiệu danh dự. Đứng dưới tán cây cổ, anh rưng rưng nhìn lên: bóng ông nội, quá khứ, quê hương trong từng vệt lá.
Đứng sau Nam, vẫn lặng lẽ, nhưng nụ cười rạng rỡ là Nga. Cô vẫn thế, mái tóc đen dài, mượt như suối mùa thu.
Từ đám đông, một người tiến lại - thầy Hiển. Nam vội bước tới chào thầy.
Thầy Hiển ôm chặt Nam, giọng run trong xúc động:
- Nga nói thầy rồi. Về với thầy, với Viện em nhé!
Nam vâng nhẹ run run. Đôi mắt anh ngấn lệ - Biết bao năm mọi người mới thấy Nam xúc động đến vậy.
* * *
Một năm sau, đám cưới nhỏ được tổ chức bên cạnh căn lều ở bìa rừng năm xưa. Không rạp cưới. Không nhạc rộn ràng. Không rượu. Mọi người mời nhau bằng chè - thứ nước xanh, thơm hậu, đậm đà. Giống như chuyện tình của họ - qua bao giông gió vẫn mãi xanh, vị đậm, hương thơm, tinh khiết như sương sớm đọng trên búp chè non.
Truyện ngắn của Quốc Tuân