Giấc mơ đoàn viên của những người con xa xứ

Giấc mơ đoàn viên của những người con xa xứ
19 giờ trướcBài gốc
28 tháng Chạp, căn nhà nhỏ ở quê được dọn dẹp, trang trí đón tết. Mẹ gói từng đòn bánh, tự tay làm những món mứt quê. Tiếng cười nói xôn xao của người đi chợ tết, mùi khói bếp tỏa ra từ nồi bánh tét nghi ngút,... Tất cả như một bản hòa ca đưa tết ùa về trong ký ức khiến chị Võ Thị Tường Vy (SN 1996, ngụ xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) đang sinh sống và làm việc tại Đài Loan nghẹn ngào.
Đã 10 năm rời xa quê hương, chị vẫn không nguôi nhớ về Tết Cổ truyền, nơi lưu giữ hơi ấm gia đình. Chị Vy bộc bạch: “Tết ở đây, tôi chỉ tụ tập với vài người bạn rồi ai về nhà nấy. Có khi lướt mạng, thấy bạn bè ở quê đăng ảnh đi chúc tết, tôi bật khóc vì tủi thân”.
Dù đón tết tại Đài Loan nhưng chị Võ Thị Tường Vy (xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa) luôn nhớ về ngày Tết Cổ truyền của quê hương
Năm nay, chị Vy đón niềm hạnh phúc lớn khi chào đón đứa con đầu lòng, nhưng niềm vui ấy lại xen lẫn nỗi buồn khi không thể trở về quê đón tết. Mỗi lần gọi điện thoại về, nhìn khuôn mặt rạng rỡ của ba mẹ qua màn hình điện thoại, chị kìm những giọt nước mắt, cố gắng nở nụ cười để họ yên lòng. Trong thâm tâm, chị luôn ao ước sớm được sắp xếp công việc, trở về quây quần bên gia đình để tết không còn là những ký ức mà sum vầy thực sự, trọn vẹn niềm vui và yêu thương.
Vì điều kiện đi lại và kinh tế chưa cho phép, nhiều người con xa quê đành lỡ hẹn với mùa xuân quê hương. Thế nhưng, ở nơi đất khách, họ vẫn gìn giữ trọn vẹn hương vị ngày tết quê nhà như cách kết nối với quê hương qua từng phong tục, từng ký ức thân thương.
Chị Nguyễn Hoàng Kim Uyên (SN 1974, ngụ TP.Tân An) sinh sống hơn 20 năm tại Mỹ, cho biết, chị về quê đón tết được vài lần khi 2 cô con gái còn nhỏ. Hơn 5 năm nay, chị chưa lần nào trở về cùng gia đình sum vầy trong dịp tết. Dù sống trong khu vực có đông người Việt, nơi tổ chức chợ hoa, gói bánh tét và bày bán những món “made in Vietnam”, chị vẫn cảm thấy tết quê hương có một điều gì đó không thể thay thế.
Gia đình chị Nguyễn Hoàng Kim Uyên (TP.Tân An) mong muốn sẽ mau quay về Việt Nam để được sum họp cùng gia đình
Xa quê nhưng chị Kim Uyên vẫn thường kể về tết Việt với 2 con gái của mình. Những câu chuyện về ông Công, ông Táo, phong tục chúc tết, mừng tuổi được chị kể lại như một phần ký ức quý giá. “Tôi mong một ngày có thể đưa các con về Việt Nam để con thấy rằng tết không chỉ là dịp lễ mà còn là hơi thở của quê hương, gắn kết bao thế hệ" - chị Kim Uyên nói.
Cũng mang nỗi niềm của người con xa xứ, chị Võ Thị Thảo Uyên (SN 1994, ngụ TP.Tân An), hiện sinh sống tại Mỹ, luôn ôm ấp giấc mơ đoàn viên mỗi dịp xuân về. Từng là du học sinh Ý trước khi chuyển đến Mỹ làm việc, chị quen với cảnh đón tết xa quê nhưng nỗi nhớ quê nhà thì chưa khi nào vơi cạn. “Ngày trước, cứ mỗi độ tết đến, ba tôi lại chở về một chậu mai thật lớn, cả nhà rộn rã tiếng cười khi cùng nhau bày biện mâm ngũ quả. Giờ đây, tất cảchỉ còn là những ký ức quý giá nhất mà tôi mang theo nơi xứ người” - chị Thảo Uyên bồi hồi nhớ lại.
Dẫu cách xa nửa vòng trái đất, chị Thảo Uyên vẫn nỗ lực giữ gìn phong vị tết quê hương trong tổ ấm nhỏ của mình. Mỗi năm, chị đều tự tay làm củ kiệu, chuẩn bị mâm ngũ quả và đặt mua bánh chưng cùng những món ăn truyền thống. “Tết không chỉ là một dịp lễ mà còn là sợi dây kết nối yêu thương. Tôi muốn chồng mình hiểu rằng, tết Việt là thời điểm để gắn kết gia đình, để tri ân những giá trị cội nguồn” - chị Thảo Uyên chia sẻ với niềm tự hào và khát khao ngày sum họp.
Tết nơi đất khách có sắc đỏ, sắc vàng rực rỡ, có bánh chưng, bánh tét đủ đầy nhưng với những người con xa quê, tất cả vẫn chưa đủ để gọi là tết bởi tết chỉ trọn vẹn khi có gia đình. Nỗi nhớ tết quê không chỉ là niềm thương đau đáu mà còn là sợi dây vô hình níu giữ tâm hồn họ với quê hương, nơi mà dù đi xa bao lâu, trái tim vẫn mãi hướng về như một phần máu thịt không thể rời xa./.
Du Nhiên
Nguồn Long An : https://baolongan.vn/giac-mo-doan-vien-cua-nhung-nguoi-con-xa-xu-a188470.html