'Giấc mơ' giáo sư, tiến sĩ

'Giấc mơ' giáo sư, tiến sĩ
4 giờ trướcBài gốc
Bên cạnh những người chân tài thực học, không ít người cố đạt được bằng tiến sĩ bằng mọi giá (ảnh minh họa).
Từ câu chuyện trên, dư luận đặt câu hỏi, vậy vị này lấy bằng tốt nghiệp cấp 3 ở đâu để có thể học đại học, thạc sĩ, tiến sĩ?
Và không phải đến bây giờ, câu chuyện "làm tiến sĩ để làm gì?" mới được đặt ra, cùng với chuyện luận án tiến sĩ đó nghiên cứu về vấn đề gì.
Giáo sư, tiến sĩ là những người gắn liền với nghiên cứu khoa học, với giảng dạy, với phòng thí nghiệm. Mục đích của nghiên cứu là chỉ ra được thực trạng, hạn chế và đưa ra giải pháp cải tiến tác động lớn đến cộng đồng hoặc cả xã hội. Nhưng thử hỏi đến nay đã có bao nhiêu công trình tầm cỡ khu vực và sáng chế được công bố, nếu so với số lượng giáo sư, tiến sĩ mà chúng ta đã có?
Ngay từ năm 2014, thống kê cho thấy Việt Nam có 9.000 giáo sư, hơn 24.000 tiến sĩ. Thời điểm đó, con số này gấp 5 lần Nhật Bản, gấp 10 lần Israel. Từ đó đến nay, chưa thấy có một thống kê chi tiết nào nữa.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, từ năm 2015 đến 2020, cả nước có hơn 1.450 người được công nhận giáo sư. Tuy nhiên, số lượng giáo sư tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học chưa đến một nửa.
Tính đến 31/12/2019, các đại học, học viện có 78.250 giảng viên, trong đó 619 giáo sư, 4.831 phó giáo sư, 17.035 tiến sĩ. Còn số lượng giáo sư, tiến sĩ ngoài các trường, các viện nghiên cứu thì không ai biết. Như vậy có thể thấy số lượng giáo sư, tiến sĩ không liên quan đến công tác đào tạo, nghiên cứu là rất lớn.
Và nếu như công bố hết tất cả những luận án tiến sĩ trong khoảng 10 năm trở lại đây, có lẽ không chỉ có "tiến sĩ cầu lông" làm dư luận xôn xao như dạo nào, mà chắc chắn sẽ có rất nhiều đề tài khiến ai cũng phải ngỡ ngàng!
Vậy một khi không gắn với hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, các giáo sư, tiến sĩ đang làm gì? Và mục đích trở thành giáo sư, tiến sĩ của họ là gì?
Tại nhiều nước trên thế giới, việc phong giáo sư gắn với công việc của một viện nghiên cứu, một trường nào đó. Và đến khi về hưu thì hết, họ không còn là giáo sư nữa.
Còn ở Việt Nam, khi ai đó được phong giáo sư rồi thì nghiễm nhiên đó là một thứ để người ta giữ suốt đời, trong khi hoàn toàn không dạy học, nghiên cứu.
Trong suy nghĩ của xã hội, các giáo sư, tiến sĩ là những người tài năng, là tinh hoa của đội ngũ trí thức. Có lẽ vì thế mà việc trở thành giáo sư, tiến sĩ là giấc mơ của nhiều người. Và để giấc mơ thành hiện thực, bên cạnh những người chân tài thực học, không ít cố đạt được bằng mọi giá.
Phải chăng vì thế mới có các luận án nghiên cứu kiểu như "Nghiên cứu hiệu quả của bài tập Hatha Yoga đối với sức khỏe người cao tuổi nữ…", "Nghiên cứu phát triển thể chất cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi ở tỉnh…", "Nghiên cứu xây dựng nội dung hoạt động câu lạc bộ thể thao giải trí cho sinh viên đại học…".
Là giáo sư, tiến sĩ nhưng nhiều người không lên lớp, cả ngày không vào phòng thí nghiệm, nhưng đi đâu cũng được giới thiệu là giáo sư, tiến sĩ thì điều đó có hợp lý hay không?
Nhưng nói đi cũng cần nói lại, có những đề tài không xứng tầm luận án tiến sĩ, nghiên cứu sinh cũng chưa đủ trình độ, nhưng vì sao họ vẫn thành tiến sĩ? Thậm chí, không có bằng cấp 3 hợp pháp vẫn có thể lọt qua nhiều vòng để thi tiến sĩ, thì trách nhiệm đó thuộc về ai?
Trong khoa học, không bao giờ được phép thiếu trung thực. Nhất là những vị làm đến tiến sĩ, giáo sư càng không thể gian dối, bởi họ luôn là tấm gương để xã hội cũng như giới khoa học nhìn vào.
Ở khía cạnh khác, thiết nghĩ bằng tiến sĩ và chức danh giáo sư chỉ cần thiết đối với một số ngành, chẳng hạn như giáo dục, y tế...
Nhưng nhìn chung, công tác quản lý không cần thiết phải có sự tham gia của các giáo sư, tiến sĩ. Quan niệm sai về vấn đề sử dụng giáo sư, tiến sĩ có thể là nguyên nhân khiến nhiều người cố đạt bằng được "giấc mơ" giáo sư, tiến sĩ.
TS Phạm Quang Long
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/giac-mo-giao-su-tien-si-192241024231112089.htm