Giai âm tiếng lòng

Giai âm tiếng lòng
10 giờ trướcBài gốc
Và khi nghệ nhân người Tây Ban Nha Antonio de Tores Jurado cải tiến cây đàn đạt đến độ hoàn hảo mẫu mực về âm thanh và hình dáng vào thế kỷ XIX, guitar đã trở thành một trong những nhạc cụ kinh điển, để tâm hồn chúng ta được thăng hoa và nuôi dưỡng mỗi khi dây đàn rung lên.
Minh họa: Nguyễn Văn Chung
Điều gì tạo nên sự hấp dẫn mê đắm của tiếng đàn guitar? Ngoài yếu tố chủ quan, tôi tin mỗi nhạc cụ đều có “tiếng nói” riêng bằng cấu âm đặc trưng của nó. Đàn guitar, thuở sơ khai, có nguồn gốc từ cây đàn lia và đàn xi-ta (cithara), những dụng cụ đàn dây lâu đời nhất. Nhưng khác với 2 loại đàn trên, guitar cổ điển có thêm thùng đàn và lỗ thoát âm, cùng với chiều dài lý tưởng (65 cm) tạo ra độ ngân rung hay nhất, đưa đến những cung bậc xúc cảm sâu xa nhất.
Vẻ đẹp của tiếng guitar có lẽ nằm ở độ trầm ấm, ngân vang, luyến láy. Nếu tìm một nhạc cụ có sự tương đồng về những đặc điểm âm thanh đó thì ta có thể nghĩ đến đàn tranh. Cả 2 giống nhau ở độ ngân, rung, luyến của nhạc cụ bộ dây. Nhưng guitar vẫn mang vẻ hồn riêng, không lặp lại ở bất kỳ nhạc cụ nào. Đó là sự ấm áp, sắc nét trong từng nốt và độ ngân rung sâu thẳm mà kể cả khi tiếng đàn ngừng bặt dây-cung thì điểm về vẫn còn dư âm đâu đó.
Khi tiếng guitar vừa vang lên, tiếng lòng dường như cũng đã mải mê giăng mắc. Phải chăng đặc điểm âm giai là thang âm 8 nốt xếp từ thấp đến cao, đan xen các hợp âm khiến cho âm thanh guitar trở thành một dòng chảy thanh âm tuôn tràn mà nhịp nhàng như sóng vỗ, tiếng đàn vừa thu vào rồi lại khuếch đại lên, bung tỏa ra tạo độ rơi sâu lắng mà đằm, ấm. Độ rơi của âm thanh khi đó không còn nằm ở tai nữa mà tụ sâu trong tim, thành nhịp đập của cung bậc cảm xúc, trở thành niềm đồng vọng thiết tha cho bao tâm hồn.
Cùng với piano, guitar đã trở thành một trong những nhạc cụ cổ điển của nhân loại. Tôi nhớ những giai điệu viết cho dòng nhạc guitar classic như Romance de Amour, Marriage de Amour, Godfather… dù không mấy am tường về âm luật nhưng tiết tấu quen thuộc của nó thực sự làm ta rung động và đã nghe là sẽ xao xuyến rung động dẫu cho đôi tai và trái tim có khó tính nhường nào. Chúng như dung chứa một “sức mạnh bí ẩn, ai cũng cảm thấy nhưng không phải ai cũng lý giải được”. Ở đó, “tiếng nói” của trái tim qua thanh âm guitar vừa quen thuộc, vừa hàn lâm, chỉ có thể đón nhận trọn vẹn bằng việc “cảm” hơn là “hiểu”.
Phải chăng để đạt đến tính “cổ điển”, guitar đã trải qua một quá trình cách tân không ngừng nghỉ. Độ khó và kén của guitar cổ điển có lẽ nằm ở sự phức hợp, hòa thanh các hợp âm, sự linh hoạt trong từng chuyển động các ngón tay tạo thành chuỗi hòa âm ngân-rung-vang nối tiếp, thế nên, nốt càng khó thì điệu càng hay. Guitar do đó có thể vượt qua những giới hạn của nhạc cụ phỏng âm để uyển chuyển diễn tải mọi cung bậc phức tạp của thanh âm-tâm hồn. Dù trầm-bổng, nông-sâu, nhặt-khoan, dù đệm-chính, chơi theo kiểu fingerstyle hay flatpicking, từng giai âm guitar đều có thể ngọt ngào chạy thẳng vào tim, tạo thành sức hấp dụ riêng có.
Mỗi khi nhẩm lời bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca” (Thanh Thảo), tôi hay nhớ tới điệp khúc “li la li la” buông chùng đầy khoảng lặng, nhớ đến cuộc đời và hành trình cách tân nghệ thuật của nghệ sĩ thiên tài Tây Ban Nha-Federico Garcia Lorca, người đã mang thanh âm du ca nồng nàn tự do của xứ sở Andalucia xinh đẹp cùng điệu Flamenco nóng bỏng phóng khoáng xóa mờ ranh giới phong cách dân gian và thính phòng để làm cho guitar trở nên gần gũi, dào dạt chất sống mà không kém phần sang trọng.
Nếu cảm nhận nét riêng của dòng nhạc guitar cổ điển mang đậm chất trừu tượng và bác học thì guitar dòng nhạc nhẹ hiện đại lại mang nét tự sự tâm tình, gửi gắm cảm xúc chân thực của cuộc sống và tâm hồn. Dường như những câu chuyện, những nỗi lòng cần bộc bạch đã tìm được nơi nó ký thác và “thuộc về”. Tôi rất thích nghe những bản guitar nhạc Trịnh. Khi tiếng đàn độc tấu mộc mạc ngân lên ưu tư trong không gian tịch tĩnh của đêm khuya, của phố vắng và căn phòng nhỏ, những cảm xúc trữ tình sâu lắng đã được tìm về, được khơi lên. Đó có lẽ là không gian “diễn xướng” lý tưởng của người nghệ sĩ nhiều nỗi niềm, là không gian thẩm âm trọn vẹn của người nghe cần độ lắng để cảm nhận.
Ở đó, những âm giai quen thuộc của guitar ngân lên da diết, thầm thì “kể chuyện”; cả tiếng vuốt dây của ngón tay trên phím đàn cũng gợi lên những khoảnh khắc thăng hoa, những nỗi niềm phong kín, nơi chỉ còn “ta với nồng nàn” và cây đàn là người tri kỷ. Những giai âm đồng điệu ngân rung nhờ tiếng đàn mà chăng kết, không phải bằng lời mà bằng tình, không còn là tình riêng mà trở thành “nỗi chung” đại diện cho muôn điệu xúc cảm của con người.
NGUYỄN THỊ KIM THOA
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/giai-am-tieng-long-post317567.html