Mới đây, tại TP.HCM đã diễn ra lễ khởi công xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa giai đoạn 1 (do Công ty BCG Energy thuộc Tập đoàn Bamboo Capital đầu tư). Đây là dự án điện rác đầu tiên được cấp phép xây dựng tại TP.HCM. Nhà máy giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025 với công suất đốt rác đạt 2.000-2.600 tấn/ngày, công suất phát điện đạt 60 MW. Có thể nói đây là bước tiến lớn trong việc giải quyết vấn đề xử lý rác thải đô thị kết hợp với sản xuất năng lượng.
Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Tập đoàn Bamboo Capital (HoSE: BCG), Tổng Giám đốc Công ty BCG Energy- đơn vị đầu tư Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa giai đoạn 1 Ảnh: NC
BCG Energy cho hay ngoài TP.HCM, họ còn có kế hoạch triển khai nhà máy đốt rác phát điện tại các tỉnh, thành khác. Tuy nhiên, chủ đầu tư đang phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến quy hoạch, nguồn cung rác thải, hợp đồng xử lý và thủ tục hành chính. Để hiểu rõ những nỗ lực cũng như khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Tập đoàn Bamboo Capital (HoSE: BCG), Tổng Giám đốc Công ty BCG Energy.
Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa giai đoạn 1 đã được khởi công xây dựng tại huyện Củ Chi. Ảnh: NC
Xử lý rác thải với giải pháp bền vững
. Phóng viên: Với lượng rác thải ở TP.HCM ngày càng tăng, công ty có giải pháp gì để chung tay cùng TP giải quyết vấn đề rác thải theo hướng hiện đại hơn, thưa ông?
+ Ông Phạm Minh Tuấn: Thấu hiểu thực trạng và mong muốn chung tay cùng giải quyết bài toán xử lý rác thải tại các đô thị, ngày 31-1-2024, BCG Energy - công ty thành viên của Tập đoàn Bamboo Capital đã mua lại Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, đánh dấu bước tiến chiến lược của Tập đoàn Bamboo Capital trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, bên cạnh điện gió và điện mặt trời.
Với tầm nhìn mang lại giải pháp bền vững cho vấn đề rác thải tại Việt Nam, chúng tôi không chỉ giải quyết vấn đề rác thải mà còn tạo ra nguồn điện sạch, góp phần vào bảo vệ môi trường.
Ngay sau khi tiếp quản Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, chúng tôi đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết. Bên cạnh đó, BCG Energy cũng khẩn trương làm việc với các đối tác để lựa chọn công nghệ và phương án thiết kế nhà máy tối ưu, chuẩn bị nguồn lực tài chính, dọn dẹp mặt bằng… để sẵn sàng khởi công nhà máy ngay sau khi có giấy phép xây dựng.
TP.HCM cần khoảng 300-400 MW để xử lý toàn bộ rác thải hằng ngày nhưng chỉ được phân bổ 124 MW cho ba dự án, gây khó khăn trong thu hút đầu tư.
Nhiều rào cản trong quy hoạch và khó khăn trong thủ tục
. Từ thực tiễn thực hiện dự án nhà máy đốt rác phát điện, công ty gặp phải những thách thức, khó khăn gì, thưa ông?
+ Trong quá trình thực hiện dự án, chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền TP.HCM. Hiện nay, Chính phủ nói chung và TP.HCM nói riêng đang rất ủng hộ và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư như chúng tôi phát triển dự án điện rác. Tuy nhiên, trong thực tế, chúng tôi cũng gặp phải không ít thách thức và khó khăn khi triển khai dự án.
Về mặt pháp lý, dự án chưa nằm trong quy hoạch về ngành, có quy hoạch về khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc nhưng chưa có quy hoạch về đốt rác phát điện nên TP sẽ phải cập nhật. Việc cập nhật đó sẽ mất thời gian và TP đã hỗ trợ tổ chức rất nhiều cuộc họp giữa các sở, ban ngành với vướng mắc của nhà đầu tư.
Về quy hoạch ngành hiện tại quy hoạch các nhà máy điện rác đang phụ thuộc vào tiến độ ban hành kế hoạch thực hiện điện VIII. Hiện nay cả nước chỉ có một số ít nhà máy điện rác đã hoàn thành xây dựng tại Hà Nội, Cần Thơ, Huế và Bắc Ninh. Việc phát triển các nhà máy mới đang phải chờ kế hoạch thực hiện điện VIII chi tiết hóa các nhà máy được phê duyệt tại các địa phương thì mới có thể thực hiện được. Chúng tôi nhận thấy về bản chất, việc xây dựng các nhà máy điện rác có mục tiêu chính là giải quyết vấn đề môi trường và nhu cầu xử lý rác của địa phương.
Để kịp thời chúng tôi cho rằng nên cân nhắc thay đổi theo hướng các địa phương đề xuất dựa theo quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh rồi Bộ Công Thương rà soát cân đối với quy hoạch vùng và quy hoạch nguồn có sẵn và thông qua đề xuất của địa phương. Cụ thể như dự án tại Củ Chi của chúng tôi, vì chưa có trong kế hoạch thực hiện điện VIII nên Sở Xây dựng cũng chưa thể cấp phép xây dựng phần điện. Hiện chúng tôi mới được cấp phép xây dựng của phần đốt rác.
Ngoài ra, việc cung cấp nguồn rác ổn định và các hợp đồng dài hạn cũng là thách thức lớn, đặc biệt tại các địa phương có khối lượng rác không đủ để duy trì hiệu quả kinh tế. Chúng ta cần tính đến việc quy hoạch vùng để có thể có phương án xử lý rác một cách triệt để. Bên cạnh đó, mỗi địa phương hiện có phương án khác nhau về hợp đồng xử lý rác thải. Ở TP.HCM, các đơn vị chỉ cần ký hợp đồng dài hạn với Sở TN&MT nhưng tại nhiều tỉnh khác, hợp đồng thường ngắn hạn và phân bố theo huyện, điều này gây khó khăn cho các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, quy trình thủ tục xin giấy phép phức tạp, thời gian phê duyệt kéo dài của các dự án khiến cho các dự án điện rác cũng khó có thể phát triển nhanh trong khi nhu cầu xử lý rác triệt để với công nghệ tiên tiến đang rất cấp bách.
Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa
Nhà máy nằm trên khu đất diện tích 20 ha tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (Củ Chi), chia làm ba giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 được triển khai từ năm 2024 đến năm 2025 có tổng vốn đầu tư là 6.400 tỉ đồng, công suất đốt 2.000-2.600 tấn rác/ngày, đủ để cung cấp năng lượng cho một trăm ngàn hộ gia đình.
Ngày 5-7-2024, Sở Xây dựng TP.HCM đã cấp giấy phép xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa giai đoạn 1 gồm phần móng cọc của dự án. Đây là quyết định thể hiện sự linh hoạt và hỗ trợ nhà đầu tư một cách quyết liệt của TP.HCM.
Cần tạo cơ chế mở cho nhà đầu tư
. Từ những khó khăn, thách thức nêu trên, ông có đề xuất gì để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc?
+ Quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển nguồn điện từ rác nhưng công suất phân bổ cho các địa phương vẫn thấp, chưa theo kịp nhu cầu của xã hội và sự phát triển của công nghệ. Ví dụ, TP.HCM cần khoảng 300-400 MW để xử lý toàn bộ rác thải hằng ngày nhưng chỉ được phân bổ 124 MW cho ba dự án, gây khó khăn trong thu hút đầu tư. Chúng tôi thấy rằng việc phân bổ quy hoạch các nhà máy điện rác nên phụ thuộc vào nhu cầu xử lý rác của vùng và địa phương. Bộ Công Thương nên để đây là một quy hoạch mở thay vì đóng cố định như hiện nay để đáp ứng nhu cầu xử lý rác cấp thiết tại các địa phương.
Về vấn đề phê duyệt công nghệ, khi phát triển một dự án điện rác, các địa phương yêu cầu phải đánh giá công nghệ trước khi phê duyệt. Điều này làm hạn chế rất nhiều tính kinh tế của dự án. Bởi vì một dự án được phê duyệt công nghệ ngay trong giấy phép thì nhà đầu tư bị bó buộc vào nhà cung cấp.
Trên thị trường chỉ có vài dòng công nghệ thôi. Nếu nhà cung cấp họ biết được dự án buộc phải dùng công nghệ của họ thì họ sẽ ép lại chủ đầu tư về mặt giá cả. Do vậy, chúng tôi đề xuất các địa phương chỉ đưa ra các yêu cầu về đầu ra như chất lượng khí thải, chất lượng nước thải, quy chuẩn về công nghệ, cho phép nhà đầu tư chủ động trong việc lựa chọn công nghệ, miễn là đạt các quy chuẩn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó chúng ta cũng có những quy định cần cập nhật theo thực tiễn, như Thông tư 15/2023 của Bộ Xây dựng về ban hành quy chuẩn Việt Nam về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật có quy định số lượng lò đốt tối thiểu để xử lý rác, nếu cơ sở đốt rác lớn hơn 1.000 tấn/ngày cần số lò hoạt động thường xuyên lớn hơn ba lò.
Điều này là bất hợp lý vì với sự phát triển của công nghệ đốt rác phát điện hiện nay, công suất đốt lò hơn 1.000 tấn cho một lò là phổ biến. Thay vì chúng ta sử dụng các quy định cứng về số lượng lò thì đưa ra các yêu cầu về thời gian hoạt động, yêu cầu xử lý rác tối thiểu và cam kết xử lý hết lượng rác cung cấp. Nếu không thực hiện được cam kết này thì xử lý bằng các chế tài như phạt hợp đồng.
Trong bối cảnh hiện nay, việc phát triển các nhà máy điện rác không chỉ là một giải pháp cho vấn đề rác thải mà còn là cơ hội để tạo ra nguồn điện sạch và bền vững. Chúng tôi cam kết đồng hành cùng chính quyền và cộng đồng để xây dựng một tương lai xanh, sạch hơn. Chúng tôi tin rằng với sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền và sự hợp tác của các nhà đầu tư, chúng ta sẽ vượt qua những thách thức và hiện thực hóa mục tiêu xử lý rác hiệu quả, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống cho người dân.
. Xin cảm ơn ông.•
NGUYỄN CHÂU thực hiện