Mức sinh giảm, tốc độ già hóa dân số nhanh
Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, quy mô dân số thành phố tính đến cuối năm 2024 là 9.521.886 người; tỷ suất sinh thô năm 2024 là 12,22‰, tăng so với năm 2023 (12,15‰). Hiện nay, tổng tỷ suất sinh tại TP Hồ Chí Minh năm là 1,39 con, thấp hơn rất nhiều so với mức 1,91 con của cả nước. Thống kê số liệu từ năm 2000 đến nay cũng cho thấy, tổng tỷ suất sinh của thành phố liên tục giảm (năm 2000 là 1,76 con so với năm 2023 là 1,32con), xuống rất thấp vào năm 2016 là 1,24 con và xu hướng khôi phục theo hướng tăng xảy ra rất ít ở thời điểm năm 2013 là 1,68 con.
Tổng tỷ suất sinh của thành phố hiện đang ở mức chỉ 1,39 con/phụ nữ vào năm 2024.
Tại buổi giám sát của Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội đối với UBND TP Hồ Chí Minh về việc thực hiện các chính sách dân số giai đoạn 2018 - 2024 vào ngày 1/4, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã cảnh báo về tình trạng mức sinh thấp tại thành phố. Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, tổng tỷ suất sinh của thành phố hiện chỉ đạt 1,39 con/phụ nữ vào năm 2024, một con số rất thấp và nằm trong nhóm 21 tỉnh, thành có tỷ lệ sinh thấp nhất cả nước. Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cảnh báo, nếu tình trạng này kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng, như quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh chóng, thiếu hụt nguồn lao động và ảnh hưởng tiêu cực đến an sinh xã hội.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ giới tính khi sinh hiện đã được kiểm soát ở mức hợp lý (106 - 107 trẻ trai/100 trẻ gái). Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, nếu không duy trì các giải pháp can thiệp hiệu quả, chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh vẫn có thể gia tăng trong thời gian tới.
Theo kết quả điều tra Dân số và Nhà ở giữa kỳ năm 2024, TP Hồ Chí Minh hiện đang ở trong giai đoạn "cơ cấu dân số vàng" với tỷ trọng dân số từ 15 - 64 tuổi chiếm 74,2%. Đây là thời kỳ mang lại những cơ hội lớn cho sự phát triển của thành phố, tạo ra động lực cho nền kinh tế nhưng cũng đi kèm với những vấn đề cần được giải quyết kịp thời.
Theo đó, TP Hồ Chí Minh không chỉ đối mặt với mức sinh thấp còn phải đối diện với một thách thức khác, đó là tốc độ già hóa dân số nhanh chóng. Tính đến năm 2024, tỷ lệ người cao tuổi ở TP Hồ Chí Minh đã chiếm 11,87% dân số, tương đương hơn 1,1 triệu người cao tuổi. Sự gia tăng này đặc biệt đáng chú ý khi trong vòng 7 năm (2017 - 2024), số lượng người cao tuổi đã tăng thêm 243.500 người, trung bình mỗi năm thêm gần 35.000 người. Điều này khiến TP Hồ Chí Minh đứng thứ hai cả nước về số người cao tuổi.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, Thành phố bước vào thời kỳ già hóa dân số muộn hơn so với cả nước 6 năm, thế nhưng tốc độ già hóa lại diễn ra rất nhanh. Sự gia tăng nhanh chóng cho thấy tốc độ già hóa dân số tại TP Hồ Chí Minh đang vượt qua các dự báo trước đây. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về chính sách và hạ tầng, xã hội nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống cho nhóm dân số cao tuổi ngày càng đông.
Cần có sự đồng bộ và linh hoạt trong các chính sách
Để tăng tỷ suất sinh, UBND TP Hồ Chí Minh đã triển khai một loạt chính sách khuyến khích sinh con, đặc biệt là đối với các cặp vợ chồng trẻ. Trong đó, Thành phố hỗ trợ 3 triệu đồng cho phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi; đồng thời, hỗ trợ phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và những người sống tại xã đảo được thực hiện tầm soát trước sinh và tầm soát sơ sinh với tổng số tiền 2 triệu đồng/người.
TP Hồ Chí Minh có tốc độ già hóa dân số nhanh.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đã đưa ra các giải pháp mạnh mẽ nhằm tăng tổng tỷ suất sinh trong giai đoạn 2025 - 2030. Đề án này bao gồm các giải pháp tổng thể nhằm giải quyết vấn đề mức sinh thấp, già hóa dân số và nâng cao chất lượng dân số của thành phố. TP Hồ Chí Minh cũng đã triển khai các chiến lược truyền thông mạnh mẽ, đặc biệt là sử dụng nền tảng số hóa và mạng xã hội để tuyên truyền thông điệp "mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con."
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy cho biết, công tác dân số đối với thành phố rất quan trọng và luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc từ lãnh đạo thành phố. Các chính sách được triển khai không ngại khó khăn và những gì có thể làm ngay đều được thực hiện. Gần đây, HĐND Thành phố đã thông qua nghị quyết khuyến sinh, thể hiện sự quyết tâm trong việc giải quyết vấn đề này.
Tại buổi làm việc với đoàn đại biểu, TP Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia dân số và phát triển giai đoạn 2026 - 2035 nhằm bảo đảm đầu tư đồng bộ, đúng trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa dân số, nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Trung ương nghiên cứu, đề xuất đưa vào Dự thảo Luật Dân số 3 nhóm chính sách lớn, đó là duy trì mức sinh thay thế; nâng cao chất lượng dân số và thích ứng già hóa dân số.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đưa ra một số kiến nghị quan trọng để giải quyết vấn đề mức sinh thấp. TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhấn mạnh, sự cần thiết của việc thể chế hóa các quy định của pháp luật, đảm bảo rằng mỗi cặp vợ chồng có quyền quyết định số lượng con và thời gian sinh con, bao gồm cả cho phép sinh con thứ 3 tại các vùng có mức sinh thấp; Trung ương cần có chính sách kiểm soát mức sinh linh hoạt cho các tỉnh thành phố trên cơ sở mức sinh của quốc gia; điều chỉnh mức sinh đồng bộ giữa các tỉnh có mức sinh thấp.
“Cần có sự đồng bộ và linh hoạt trong các chính sách về an sinh xã hội, giáo dục, y tế, nhà ở xã hội, thuế thu nhập cá nhân... để tạo ra môi trường thuận lợi cho các cặp vợ chồng trẻ có thể thật sự yên tâm sinh con và sinh đủ 2 con”, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cần ban hành các chính sách đặc thù nhằm nâng cao chất lượng dân số. Cụ thể, Thành phố cần xây dựng và hướng dẫn triển khai các quy trình tiêu chuẩn đối với tổ chức, cá nhân khi tham gia tư vấn và cung cấp các dịch vụ về khám sức khỏe trước khi kết hôn, tầm soát, chẩn đoán và điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh. Đồng thời, cần phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để từng bước đưa các xét nghiệm giúp chẩn đoán sớm và can thiệp, điều trị kịp thời một số loại dị tật, bệnh, các rối loạn chuyển hóa thường gặp vào danh mục chi trả của quỹ Bảo hiểm y tế nhằm nâng cao chất lượng dân số ngay từ giai đoạn đầu đời.
Song song đó, TP Hồ Chí Minh kiến nghị Trung ương cần xây dựng và triển khai đồng bộ các chính sách dành cho người cao tuổi trong mối tương quan phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Thành phố cũng đề xuất xây dựng các chính sách, cơ chế khuyến khích hỗ trợ người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế, đặc biệt là những người cao tuổi có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao. Cải cách hệ thống hưu trí, đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm, đặc biệt là các loại hình bảo hiểm tuổi già tự nguyện, phù hợp với khả năng đóng góp và chi trả của người tham gia, cũng như liên thông với các loại hình bảo hiểm khác.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát, đánh giá TP Hồ Chí Minh đã thực hiện tốt các chính sách về dân số. Mặc dù tỷ suất sinh của thành phố thấp, nhưng dân số thành phố vẫn trong cơ cấu dân số vàng. Vì vậy, Thành phố cần tận dụng hiệu quả thời cơ này để phát triển mạnh mẽ hơn, bởi thời gian dân số vàng của thành phố không còn nhiều.
Liên quan đến tỷ suất sinh thấp, ông Nguyễn Hoàng Mai khẳng định, tỷ suất sinh thấp là xu hướng chung của cả nước và TP Hồ Chí Minh không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, Thành phố có thể xem xét tỷ suất sinh này trong một vài năm tới vì lao động nhập cư đến TP Hồ Chí Minh sinh sống và làm việc nhiều, sau một thời gian làm việc tại thành phố, họ về quê lập gia đình và sinh con. Đây cũng có thể là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả thống kê dân số.
Bài và ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức