Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí là từ nguồn xả thải của phương tiện giao thông. Ảnh: Xuân Hoa.
Ô nhiễm không khí tác động tiêu cực đến sức khỏe
Càng về những ngày cuối năm và đầu tháng 1/2025, khi thời tiết hanh khô, ít mưa, thì mức độ ô nhiễm không khí tại Thủ đô Hà Nội, TPHCM, cũng như các thành phố lớn đông dân cư trên cả nước càng gia tăng. Tình trạng ô nhiễm không khí đã và đang tác động tiêu cực đến sức khỏe của người dân và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Hệ thống theo dõi chất lượng không khí của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, sáng 5/1, ô nhiễm không khí tại miền Bắc phổ biến ở ngưỡng xấu (có hại cho sức khỏe). Ô nhiễm không khí tiếp tục bao trùm Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình. Tại một số điểm đo lên ngưỡng rất xấu như tại Thái Nguyên, TP Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) và TP Thái Bình (tỉnh Thái Bình).
Trong khi đó, ứng dụng theo dõi chất lượng không khí toàn cầu Air Visual ghi nhận Hà Nội ô nhiễm thứ ba thế giới lúc 9 giờ sáng ngày 5/1, chỉ sau thành phố Dhaka của Bangladesh và Thủ đô Bagdad của Iraq. Mức độ ô nhiễm của Hà Nội còn vượt xa hai thành phố thường xuyên đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí là Delhi của Ấn Độ và Karachi của Pakistan. Trong đó hai ngày 6 - 7/1, mức độ ô nhiễm phổ biến ở ngưỡng rất xấu, rất có hại cho sức khỏe mọi người.
Những tác hại gây ra do ô nhiễm không khí cũng đã được các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ngân hàng Thế giới (WB) định lượng rõ ràng. Theo TS. Angela Pratt - Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, trên toàn thế giới, ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong mỗi năm. Ở Việt Nam, ít nhất 70.000 người tử vong mỗi năm do ô nhiễm không khí gây nên các bệnh đường hô hấp cấp, trầm trọng hơn là thêm các bệnh nền như hen suyễn và các tình trạng khác như đột quỵ, bệnh tim và ung thư phổi. Trung bình cứ mỗi 7,5 phút lại có một người Việt Nam tử vong vì một căn bệnh do tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.
TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, những năm gần đây, hàm lượng bụi mịn PM 2.5 ở trong không khí rất cao. Thông qua số liệu được đo đạc chính xác từ các thiết bị quan trắc được thông báo trên website, một số app của các cơ quan quản lý cho thấy không khí Hà Nội đang ô nhiễm nặng, mức độ gây hại cho sức khỏe là rất lớn. PM 2.5 là các hạt bụi mịn có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet, có thể xâm nhập sâu vào phổi và gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là các bệnh về hô hấp và tim mạch.
Nêu nguyên nhân của thực trạng ô nhiễm không khí hiện nay, TS. Hoàng Dương Tùng cho hay, giao thông chính là một trong những nguyên nhân đầu tiên. Cụ thể, nguồn phát thải từ phương tiện giao thông xả ra môi trường một lượng lớn hạt sooty và oxit nitơ... Tình trạng ô nhiễm bụi mịn trong thành phố lớn, đô thị đông dân cư cao hơn vùng ngoại ô phần lớn là do lượng phương tiện đi lại lớn hơn rất nhiều.
Đồng quan điểm, PGS,TS. Nguyễn Văn Sơn (Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường) cho rằng, phương tiện giao thông là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự gia tăng ô nhiễm không khí ở các đô thị, đóng góp 70% tổng lượng bụi, khí thải vào môi trường không khí. Nguồn ô nhiễm này gây tác động xấu tới sức khỏe cộng đồng, là nguyên nhân gây nên khoảng 3,8 triệu ca tử vong sớm hàng năm. Trong đó, có 20% số ca tử vong là do các bệnh về đường hô hấp và ung thư liên quan đến phơi nhiễm với bụi mịn. Cùng với với đó là hàng loạt vấn đề liên quan đến bệnh tiểu đường, tim mạch, phổi, gan, đột quỵ, rối loạn tiết tố…
Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, tính đến hết tháng 4/2024, thành phố có hơn 8 triệu phương tiện, trong đó trên 1,1 triệu ô tô và hơn 6,9 triệu xe máy với gần 73% xe đã sử dụng trên 10 năm. Bên cạnh đó là khoảng 1 triệu phương tiện khác từ các địa phương lân cận lưu thông trên địa bàn thành phố. Mỗi năm Thủ đô Hà Nội tăng 390.000 phương tiện; mỗi tháng tăng 32.750 phương tiện; mỗi ngày tăng 1.100 phương tiện cá nhân.
Tương tự với TPHCM, đô thị lớn và đông dân nhất cả nước hiện có hơn 10 triệu phương tiện (bao gồm trên 8 triệu xe máy và 1 triệu ô tô). Ngoài ra, với 200.000 người tăng dân số cơ học bình quân mỗi năm đã kéo theo cả triệu xe máy từ các tỉnh, thành khác được bổ sung về thành phố. Đây được coi là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm không khí của Thành phố. Theo TS. Nguyễn Đình Thạo, Giảng viên Khoa Công trình, Trường Đại học Giao thông vận tải, hiện nay hoạt động vận tải chủ yếu sử dụng nhiên liệu truyền thống, nhiên liệu hóa thạch. Loại nguyên liệu này sẽ phát ra khí thải nhà kính. Người ta tính toán mỗi một xe ô tô con thông thường, cứ chạy 1km sẽ phát thải 250 - 252g khí thải CO2 ra môi trường. Còn nếu tính trong một năm thì lượng CO2 mà một xe ô tô này thải ra môi trường là 3 tấn.
Những con số nói trên thực sự là một áp lực lớn đối với môi trường.
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội nhiều thời điểm ở mức có hại cho sức khỏe. Ảnh: Xuân Hoa.
Giao thông xanh - lời giải cho bài toán giảm thiểu ô nhiễm
Theo WHO, cũng như các chuyên gia uy tín hàng đầu trong lĩnh vực môi trường, sức khỏe, nhiệm vụ cấp bách lúc này chính là giảm thiểu ô nhiễm không khí. Các chuyên gia đưa ra khuyến cáo, Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ 4 nhóm nguồn thải lớn là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí gồm nguồn thải từ giao thông, hoạt động xây dựng, sản xuất công nghiệp và các hoạt động dân sinh như đốt rác, đốt rơm rạ, vàng mã.
Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho thấy, các nhóm nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM chủ yếu từ hoạt động giao thông vận tải. Kế đến mới là các nguồn từ hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng, sử dụng bếp than tổ ong...
Hiện Bộ Giao thông vận tải đang trình Chính phủ các phương án để từ năm 2025 có lộ trình để kiểm soát khí thải xe máy. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, với tốc độ tăng xe máy từ 10 - 15% mỗi năm, chúng ta cần nhanh chóng chuyển đổi sang giao thông xanh.
Được biết, từ năm 2025 - 2030, Thủ đô Hà Nội sẽ thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình. Hà Nội sẽ cấm lưu thông các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel trong vùng phát thải thấp. Hạn chế hoặc cấm xe máy, xe mô tô không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2 và ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 lưu thông vào vùng phát thải thấp theo khung giờ/thời điểm hoặc khu vực. Và trong vùng phát thải thấp, cơ quan chức năng sẽ cho phép các phương tiện giao thông không phát sinh khí thải, xe cơ giới thân thiện môi trường, xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường, xe công vụ được lưu thông.
Ông Thái Hồ Phương - Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, 10 tuyến bus xanh đã được đưa vào hoạt động giúp giảm phát thải 36,5 nghìn tấn CO2, tương đương trồng 1,68 triệu cây xanh. “Khi Đề án 879 triển khai và đi vào thực tiễn dự kiến một năm có thể giảm 120 nghìn tấn CO2. Chúng ta đã có xe bus xanh, tuyến đường sắt đô thị xanh và trợ giá để người dân chuyển đổi xanh” – ông Phương nói đồng thời nhấn mạnh, Hà Nội đang tích cực chuyển đổi xe xăng sang xe điện, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Cụ thể, Hà Nội hiện có 132 tuyến buýt trợ giá với hơn 2.000 xe buýt, trong đó có 277 xe điện và xe sử dụng nhiên liệu sạch CNG, chiếm 13,6% tổng số phương tiện. Cùng với đó, Hà Nội đã cấp phép hoạt động cho hàng nghìn xe taxi điện; đưa xe đạp, xe đạp điện công cộng vào phục vụ nhu cầu đi lại của người dân tại một số quận nội thành. Thành phố cũng đã có 2 tuyến đường sắt đô thị (tàu điện) đi vào hoạt động là Cát Linh - Hà Đông và mới đây là tuyến Nhổn - Ga Hà Nội.
Còn tại cuộc họp về đề xuất chính sách khuyến khích phát triển phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh theo Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành giao thông vận tải diễn ra ngày 2/1/2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo “Các địa phương khẩn trương phối hợp với Bộ Giao thông vận tải rà soát, cập nhật quy hoạch hạ tầng giao thông để khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông xanh”.
PGS,TS. Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng nhận định, xu thế chuyển đổi sang giao thông xanh là tất yếu. Tuy nhiên, để hệ thống phương tiện giao thông công cộng phát triển mạnh, rất cần đầu tư cơ sở hạ tầng, bến bãi tốt, hệ thống kết nối giao thông liên kết chặt chẽ tạo điều kiện cho các phương tiện giao thông xanh phát triển, trong đó đặc biệt cần tính đến các trạm nạp pin, điện...
NAM ANH