Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất cao đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh, 6 thành phố trực thuộc Trung ương), chính quyền địa phương 2 cấp. Cấp tỉnh gồm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cấp xã gồm xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố. Kết thúc hoạt động ĐVHC cấp huyện sau khi Quốc hội quyết nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi); ĐVHC cấp xã sau sáp nhập giảm khoảng 60 - 70%.
Tại Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp lại tổ chức ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin, hiện cả nước có 10.035 ĐVHC cấp xã, tổ chức lại chỉ còn khoảng 2.000 đơn vị. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, nửa cuối tháng 4/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp liên tục để điều chỉnh địa giới cấp xã.
Quá trình thực hiện cuộc cách mạng tổ chức bộ máy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả đưa đất nước ta phát triển, trước hết là tinh gọn tổ bộ máy. Việc này không chỉ thay đổi về cơ cấu tổ chức, mà còn về tư duy, nhận thức quản lý, chất lượng và hiệu quả công việc. Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy đổi mới, đồng thời đấu tranh các biểu hiện tiêu cực, cản trở quá trình tinh gọn bộ máy.
Các đại biểu dự Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII
"Sáp nhập ĐVHC, tinh gọn bộ máy liên quan đến cắt giảm biên chế và sắp xếp lại CBCC. Đây là vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp, tác động đến công việc, tâm lý và quyền lợi của CBCC, có thể gặp khó khăn trong quá trình thực hiện. Do đó, cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế, có chính sách hỗ trợ, giải quyết thỏa đáng về tài chính, đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, bố trí công việc phù hợp để CBCC an tâm công tác. Với môi trường làm việc mới, công việc lớn hơn, đội ngũ này phải thích ứng, có năng lực cao hơn”- PGS TS Ngô Thành Can (giảng viên cao cấp, Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) nhận định.
Theo PGS TS Nguyễn Viết Thông (nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương), cán bộ cơ sở phải thực sự năng động, chuyên nghiệp, tinh nhuệ. Bởi lâu nay cán bộ xã làm việc qua huyện, bây giờ không còn cấp huyện, chưa quen môi trường từ tỉnh thẳng xuống cơ sở. Chưa kể, trình độ của cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã chưa đồng đều, nhất là đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bây giờ, quản lý ĐVHC rộng hơn, nhiều lĩnh vực hơn nên có bỡ ngỡ, không phải một vài tháng có thể làm được. Người trẻ dễ thích ứng, người có tuổi sẽ khó khăn, nên tăng cường bồi dưỡng cho đội ngũ CBCC, nhất là cấp xã.
PGS TS Vũ Văn Phúc (Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản) nhận định, khi tinh gọn bộ máy, số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức Nhà nước phải rời khỏi bộ máy sẽ rất lớn. Do đó, một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức từ Trung ương đến cơ sở phải nhận thức “là cuộc cách mạng tổ chức bộ máy thì phải chấp nhận hy sinh”. Bên cạnh đó, có cơ chế, chính sách giữ chân người làm được việc, người có phẩm chất chính trị tốt, bản lĩnh vững vàng, đạo đức, lối sống tốt, trình độ năng lực cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cao sau khi sắp xếp, tổ chức bộ máy.
Bởi sau tinh gọn, nhiệm vụ của người lãnh đạo, quản lý cũng như của từng vị trí CBCC đòi hỏi cao hơn rất nhiều, khi công việc nhiều hơn, phạm vi rộng hơn, yêu cầu về chất lượng cao hơn, đảm bảo cho công việc thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói. Đặc biệt, có chính sách thỏa đáng cho người có nguyện vọng về hưu trước tuổi, người nghỉ công tác hay chuyển sang lĩnh vực, công việc mới.
Cần đánh giá, phân loại lại đội ngũ CBCC của toàn bộ hệ thống cơ quan hành chính cấp tỉnh và cấp xã. Những ai làm việc được thì giữ lại, bố trí vào các vị trí việc làm của bộ máy mới; những ai không phù hợp, yêu cầu giải quyết chế độ, chính sách thì thực hiện theo quy định. Về lâu dài, cần sửa Luật CBCC để làm cơ sở pháp lý xây dựng chế độ công vụ mới theo vị trí việc làm, bỏ phân biệt CBCC cấp xã với cấp tỉnh; thay thế chế độ tuyển dụng “suốt đời biên chế” bằng chế độ công chức hợp đồng theo vị trí việc làm; bỏ quy định một nơi tuyển dụng cho một nơi sử dụng, để thay bằng nguyên tắc “ai dùng người đó tuyển”, chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Về tinh gọn, nếu "gọn” mà không “tinh” thì không thể “mạnh”. Và không “mạnh” thì khó mà đạt được mục tiêu "hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”. Vì vậy, phải lựa chọn được những người đủ năng lực, trình độ, có tinh thần cống hiến, trách nhiệm cao để bố trí vào bộ máy mới. Đồng thời, cần dũng cảm giải quyết chính sách, chế độ đối với người không đáp ứng yêu cầu công việc, hoặc không muốn tiếp tục làm việc trong nền công vụ.
N.R