Giải 'cơn khát' nhân lực công nghệ cao tại Việt Nam

Giải 'cơn khát' nhân lực công nghệ cao tại Việt Nam
5 giờ trướcBài gốc
PGS, TS Đinh Văn Châu, Hiệu trưởng Trường đại học Điện lực chia sẻ định hướng tạo vòng tròn phát triển nhân lực giữa nhà quản lý-nhà trường và doanh nghiệp để tốc độ-số lượng-chất lượng đào tạo theo kịp nhu cầu thực tế.
Thị trường rộng-nhu cầu lớn
Nhiều tập đoàn công nghệ, doanh nghiệp và các địa phương đã đưa ra cảnh báo về tình trạng thiếu hụt nhân lực, đặc biệt là những kỹ sư có khả năng làm việc thực tế, hiểu biết về quy trình sản xuất, thiết kế vi mạch...
Theo Báo cáo Thị trường công nghệ thông tin Việt Nam, trong giai đoạn đến năm 2025, ngành công nghệ thông tin cần bổ sung khoảng 700.000 nhân lực. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng của các cơ sở đào tạo trong nước hiện chỉ đạt khoảng 500.000 người. Như vậy, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt khoảng 200.000 lao động.
Đáp ứng đủ nhu cầu về nhân lực công nghệ cao cho thị trường trong nước là một trong những yêu cầu quan trọng trong giai đoạn đất nước bứt phá.
Theo ước tính, từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần tới 50.000 kỹ sư vi mạch và thiết kế bán dẫn trong khi năng lực đào tạo hiện tại mới chỉ đáp ứng được một phần. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, ngành công nghiệp bán dẫn hiện chỉ mới đáp ứng được dưới 20%, trong khi nhu cầu hằng năm là khoảng 10.000 kỹ sư.
Từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần tới 50.000 kỹ sư vi mạch và thiết kế bán dẫn.
Với góc độ của đơn vị đi đầu trong phát triển ngành bán dẫn, TS Nguyễn Cương Hoàng, Giám đốc Trung tâm Bán dẫn Viettel, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội chia sẻ, trong chiến lược bán dẫn quốc gia, mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam sẽ có nhà máy chế tạo chip bán dẫn đầu tiên.
Với tính chất phức tạp và hiện đại của nhà máy chế tạo chip, nhu cầu về nhân lực đa ngành như công nghệ vật liệu, công nghệ chế tạo sẽ lên đến hàng nghìn người. Chỉ riêng các kỹ sư thiết kế chip, chúng tôi cũng dự kiến cần hơn một nghìn người, và phải bảo đảm cả về số lượng lẫn chất lượng”, TS Nguyễn Cương Hoàng cho hay.
Ngành công nghiệp bán dẫn mới đáp ứng được dưới 20% nhân sự, trong khi nhu cầu hằng năm là khoảng 10.000 kỹ sư.
Ông Tô Mạnh Cường, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Công nghiệp Bưu chính Viễn thông (VNPT Technology), cho biết: “Trong năm vừa qua, chúng tôi đã tiêu thụ 3 triệu sản phẩm trong nước và xuất khẩu 7,2 triệu sản phẩm ra thị trường quốc tế. Là đơn vị có thế mạnh trong thiết kế, sản xuất thiết bị viễn thông, điện tử và các giải pháp phần mềm ứng dụng nên chúng tôi đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo nhân lực và tuyển dụng nhân sự”.
Cơn khát nhân lực công nghệ cao tại Việt Nam không chỉ là thách thức của riêng ngành công nghiệp mà còn là bài toán cấp thiết đối với toàn bộ hệ thống giáo dục đại học.
Khi đào tạo thực chất và đúng hướng, không chỉ chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện mà ngay cả số lượng kỹ sư đáp ứng được nhu cầu cũng sẽ tăng lên đáng kể.
Đại học 4.0 - “Kiềng 3 chân” định hướng cho sinh viên từ giảng đường
Là một trong 18 cơ sở giáo dục đại học được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, Trường đại học Điện lực xác định “trách nhiệm” không chỉ đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn hướng đến chuẩn khu vực và quốc tế.
PGS, TS Đinh Văn Châu, Hiệu trưởng Trường đại học Điện lực chia sẻ về hướng đi "đón đầu" nhu cầu thị trường nhân lực.
PGS, TS Đinh Văn Châu, Hiệu trưởng Trường đại học Điện lực đề cập: “Nếu đứng một mình thì không trường đại học nào đủ năng lực, điều kiện để cung cấp cho học sinh những kiến thức, cơ sở vật chất, không gian thực hành đủ lớn và hiệu quả như ở các doanh nghiệp. Vì vậy, quan điểm của nhà trường là phải tạo vòng tròn phát triển nguồn nhân lực giữa nhà quản lý - nhà trường và doanh nghiệp để tốc độ-số lượng-chất lượng đào tạo theo kịp nhu cầu thực tế”.
Mô hình này hướng đến giải pháp đào tạo ra thế hệ sinh viên “vào đời là vào việc”, nhằm đóng góp vào giải bài toán nhân lực cho thị trường.
Ông Tô Mạnh Cường, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ công nghiệp bưu chính viễn thông (VNPT Technology) đồng tình với việc tham gia cùng nhà trường từ giảng dạy đến thực hành sẽ giúp doanh nghiệp thay vì “đợi” thì có thể chủ động xây dựng nguồn nhân lực theo đúng yêu cầu của mình.
“Chúng tôi cử các cán bộ chuyên môn, các kỹ sư, chuyên gia đến cùng trường xây dựng trực tiếp chương trình học, để xem đâu là điểm cần, đâu là yêu cầu thực tế để rút ngắn khoảng cách nhà trường với doanh nghiệp, giúp nhà trường có thể tạo ra các kỹ sư có chất lượng tốt và bảo đảm đầu ra”, ông Tô Mạnh Cường thông tin.
Ông Tô Mạnh Cường, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ công nghiệp bưu chính viễn thông (VNPT Technology) đánh giá tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam không chỉ giới hạn nội địa mà còn với các đối tác trên toàn cầu.
Với mạng lưới đối tác của công ty ở nước ngoài về thiết kế sản xuất chip như Qualcomm, MediaTek, Airoha Technology…các sinh viên sẽ có cơ hội tiếp cận với những đơn vị hằng đầu thế giới phục vụ cho mục đích nghiên cứu và thực hành.
Không dừng lại ở đào tạo kỹ năng nghề, các chương trình hợp tác còn hướng tới phát triển tư duy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và năng lực giải quyết vấn đề là những năng lực cốt lõi của nhân lực công nghệ cao.
Những khoảng thiếu của đơn vị như các nghiên cứu khoa học, sáng chế có tính đột phá…sẽ rất cần được trám vào bằng những nghiên cứu có tính hiện thực hóa cao từ chính những sinh viên.
TS Nguyễn Cương Hoàng, Giám đốc Trung tâm Bán dẫn Viettel, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Chính chia sẻ quan điểm yếu tố con người là trọng tâm trong chiến lược phát triển ngành bán dẫn, không chỉ của Viettel mà còn của Việt Nam nói chung. Chính vì vậy, những khoảng thiếu của đơn vị như các nghiên cứu khoa học, sáng chế có tính đột phá…sẽ rất cần được trám vào bằng những nghiên cứu có tính hiện thực hóa cao từ chính những sinh viên.
Trên thực tế, “mạng lưới kết nối” Trường đại học Điện lực xây dựng đã có gần 300 doanh nghiệp trên các lĩnh vực như năng lượng, điện tử viễn thông với các đối tác lớn như tập đoàn Viettel, VNPT, Viện Khoa học Vật liệu…
Thông qua các chương trình đào tạo, sinh viên có cơ hội tham gia thực tập, làm đồ án tốt nghiệp tại doanh nghiệp, tiếp cận với công nghệ thực tiễn mà thời gian qua đã thực hiện như hệ thống mạng 5G, điều khiển tự động, và thiết kế mạch tích hợp (IC design)…
Về phía doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu, việc hợp tác với trường đại học mở ra cơ hội tuyển chọn nhân lực chất lượng cao, đồng thời góp phần định hướng đào tạo sao cho phù hợp với xu thế công nghệ toàn cầu. Đây chính là nền tảng để hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thúc đẩy nội lực quốc gia trong các ngành then chốt của tương lai.
TRUNG HIẾU
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/giai-con-khat-nhan-luc-cong-nghe-cao-tai-viet-nam-post882133.html