Ngày 5/5, lãnh đạo Ban quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) xác nhận, một cá thể rùa xanh mắc “lưới ma” bị thương rất nặng, trôi dạt trên biển, được ngư dân phát hiện và giải cứu.
Theo đó, vào khoảng 5h30 sáng 5/5, ngư dân Ngô Văn Minh (trú thôn Tây An Vĩnh, huyện Lý Sơn) sau khi kết thúc phiên biển trên đường chạy vào đảo bán cá, khi cách đảo Lý Sơn khoảng 1 hải lý về phía tây, anh Minh phát hiện một vật thể trôi nổi.
Ngư dân Quảng Ngãi giải cứu chú rùa bị dính "lưới ma".
Cố nhìn, anh Minh thấy điều bất thường khi vật thể liên tục động đậy nên đã cho tàu tiến đến và phát hiện một cá thể rùa biển đang bị “lưới ma” quấn chặt. Lúc này anh Minh đã vớt chú rùa lên tàu và dùng dao cắt tấm lưới đang siết chặt cơ thể. Sau khi cứu chú rùa thoát khỏi tấm “lưới ma”, anh Minh tính thả trở lại biển.
Tuy nhiên khi nhìn hai chi trước bị lưới siết chặt lõm thịt, vết thương nặng, còn hai chi sau của chú rùa bị trầy xước vì vùng vẫy thoát khỏi tấm lưới, anh Minh lập tức báo cho BQL Khu bảo tồn biển Lý Sơn để tiếp nhận, điều trị vết thương cho chú rùa.
Hai chi trước của chú rùa bị lưới siết chặt nên bị thương rất nặng.
Ông Huỳnh Ngọc Dũng - Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn cho hay, vết thương rất nặng, chú rùa xanh này mắc lưới ít nhất trên 7 ngày. “Sau khi chữa trị vết thương, đơn vị đã cân trọng lượng chú rùa xanh nặng 12kg. Hiện BQL Khu bảo tồn biển Lý Sơn đang theo dõi sức khỏe, khi ổn sẽ thả về đại dương.
“Lưới ma” - thuật ngữ dùng để gọi những tấm lưới thải do ngư dân vứt xuống biển, không chỉ làm gia tăng rác thải mà còn là sát thủ hủy diệt sinh vật biển. “Lưới ma” gây ô nhiễm môi trường và đe dọa các sinh vật biển.
Rùa biển xanh (Chelonia mydas) là một loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, thuộc nhóm sách đỏ Việt Nam.
Rùa biển xanh (Chelonia mydas) là một loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, thuộc nhóm sách đỏ Việt Nam, Danh mục đỏ IUCN và công ước CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp).
Rùa biển xanh là loài rùa biển lớn thứ hai thế giới, chỉ sau rùa da (Dermochelys coriacea). Chúng thường sinh sống ở các vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới, bao gồm cả vùng biển Việt Nam.
Khi trưởng thành rùa biển xanh có trọng lượng trung bình từ 68 - 190kg. Tuy nhiên, một số cá thể lớn hơn có thể nặng tới 230kg. Chiều dài mai của rùa trưởng thành thường dao động từ 1 - 1,2mét. Đặc biệt, cá thể lớn nhất từng được ghi nhận có chiều dài mai lên tới 1,53mét và nặng khoảng 395kg.
Nguyễn Ngọc