Cứ vào mùa mưa lũ hàng năm, ở TT-Huế là các loài chim hoang dã di cư đến các cánh đồng, các lùm cây ven đầm phá Tam Giang- Cầu Hai. Tình trạng người dân dùng bẫy để săn bắt chim trời thời điểm này cũng rộ lên, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các loài chim di cư.
Lực lượng kiểm lâm ở Thừa Thiên Huế ra quân tháo dỡ, tiêu hủy hàng nghìn dụng cụ bẫy chim trời . (Ảnh: K.L)
Mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc tuyên truyền, xử lý, nhưng nạn săn bắt, "tận diệt" chim trời vẫn diễn ra nhức nhối trên địa bàn tỉnh TT-Huế. Tình trạng người dân dùng lưới, que dính nhựa, bẫy kẹp cùng các dụng cụ dẫn dụ chim trời như cò giả (cò xốp), máy phát tiếng chim... để săn bắt chim trời diễn ra ngang nhiên, công khai tại nhiều địa phương.
Để ngăn chặn sớm tình trạng săn bắt chim trời mùa di cư, lực lượng kiểm lâm ở tỉnh TT-Huế đã và đang tích cực phối hợp với các lực lượng liên quan ra quân tháo dỡ, tiêu hủy các dụng cụ bẫy chim trời và giải cứu các cá thể chim hoang dã mắc bẫy.
Tại TP. Huế, lực lượng Hạt Kiểm lâm thành phố đã ra quân tháo dỡ, tiêu hủy gần 4.000m2 lưới, hơn 2.000 que tre dính nhựa, hàng trăm cọc chống, cò xốp và cứu hộ, thả về tự nhiên 24 cá thể cò mắc bẫy tại cánh đồng thuộc phường An Hòa và phường Hương Sơ.
Tại thị xã Hương Trà, Hạt Kiểm lâm thị xã đã phối hợp với chính quyền xã Hương Toàn tháo dỡ hàng chục bẫy, cò xốp và thả về tự nhiên 20 cá thể cò bị mắc bẫy.
Thả về tự nhiên hàng trăm cá thể cò trắng bị dính bẫy (Ảnh: K.L.)
Địa phương có tình trạng săn bắt chim trời nhức nhối nhất là huyện Phú Lộc, nhất là các xã Lộc Sơn, Lộc An, Lộc Bổn, thị trấn Phú Lộc, thị trấn Lăng Cô... Thời gian qua, lực lượng kiểm lâm huyện đã phối hợp với chính quyền các xã ra quân tháo dỡ, tiêu hủy hàng chục nghìn cò xốp, que dính nhựa, bẫy kẹp, hàng nghìn m2 lưới... và giải cứu, thả về tự nhiên hàng trăm cá thể chim trời, chủ yếu là cò trắng, bị mắc bẫy.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh TT-Huế cho hay, trong thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị Kiểm lâm trực thuộc phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, truy quét nhằm tháo dỡ, tiêu hủy triệt để các phương tiện, dụng cụ bẫy chim trời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh TT-Huế từng ban hành văn bản hướng dẫn xử phạt hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, bao gồm các loài chim trời. Mức xử phạt cao nhất cho hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt động vật hoang dã trái quy định từ 5 triệu đồng đến 400 triệu đồng.
Ngoài ra, UBND tỉnh TT-Huế đã ban hành chỉ thị nghiêm cấm việc cán bộ, công chức, viên chức của các địa phương, tổ chức, đơn vị ăn thịt cũng như sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật rừng, các loài chim trời...
Ngọc Minh