Giai điệu mới trong bài ca về nguồn

Giai điệu mới trong bài ca về nguồn
2 ngày trướcBài gốc
Hành trình về nguồn do Đoàn Thanh niên Bộ Ngoại giao tổ chức, nhân kỷ niệm 94 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và 80 năm ngành Ngoại giao, là dịp tri ân quá khứ, bồi đắp truyền thống, khơi dậy tinh thần xung kích, tiếp thêm hành trang cho tuổi trẻ ngành Ngoại giao.
Đoàn Thanh niên Bộ chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích lịch sử Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Phương Thảo)
Trở lại miền đất cách mạng
Trong lần thứ hai tham gia chuyến về nguồn cùng đoàn Bộ Ngoại giao, tôi vừa cảm thấy thân quen, vừa nhận thấy những thay đổi thú vị trong hành trình. Nhìn qua khung cửa sổ xe, con đường dẫn chúng tôi đến Tuyên Quang hiện ra với những ngọn đồi trùng điệp ẩn mình sau màu xanh mướt của những tán cọ và sắc hồng tím của những đóa ban rừng. Xung quanh đường, những thảm mạ non nối dài bất tận như dải lụa vắt ngang qua vùng đất giàu truyền thống cách mạng.
Điểm dừng chân đầu tiên là Lán Nà Nưa nằm trong Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ở và làm việc trong những tháng ngày chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945.
Địa điểm dựng Lán Nà Nưa đáp ứng được yêu cầu của Bác Hồ đề ra, đó là “gần nguồn nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái”. (Ảnh: Phương Thảo)
Trở lại Tân Trào, giữa núi rừng hùng vĩ Tuyên Quang, tôi cảm nhận không khí trong lành, thoảng hương thơm cây lá, hòa quyện trong sự tĩnh lặng đầy chất lịch sử.
Trước Lán Nà Nưa mộc mạc, tôi hình dung Bác Hồ và các đồng chí từng bàn bạc, quyết định vận mệnh dân tộc. Không chỉ là chứng tích lịch sử, nơi đây còn nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, hun đúc ý chí thế hệ trẻ hôm nay.
Tiếp đó, chúng tôi thăm đình Tân Trào, nơi Quốc dân Đại hội (16-17/8/1945) diễn ra, được ví như hội nghị Diên Hồng thứ hai. Tại đây, những quyết định trọng đại về quốc kỳ, quốc ca ra đời, mở ra kỷ nguyên độc lập cho dân tộc.
Phó Bí thư Đoàn Bộ Ngô Bá Hoàng Hải dẫn đầu đoàn đến thăm và dâng hương tại Lán Nà Nưa nằm trong Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào. (Ảnh: Phương Thảo)
Lắng nghe thuyết minh viên kể về khoảnh khắc Bác Hồ đọc lời thề quyết tâm giành độc lập, tự do trước Quốc dân Đại hội, một cảm giác thiêng liêng khó tả trào dâng trong tâm trí tôi. Có lẽ, mỗi thành viên trong đoàn đều cảm nhận được sự căng thẳng của thời kỳ đó và ý chí kiên định, lòng yêu nước mãnh liệt của những bậc lãnh đạo tiền bối.
Chỉ cách đình Tân Trào khoảng 100m, chúng tôi đến viếng thăm Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng và Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ. Mỗi bức tượng đài được đặt tại đây như lời nhắc nhở các thế hệ thanh niên luôn trân trọng và biết ơn sự hi sinh của cha ông đã mang lại bầu trời hòa bình cho dân tộc.
Những trang sử hào hùng không chỉ là ký ức xa xôi, mà còn là nguồn cảm hứng sống động, nuôi dưỡng ý thức và khơi dậy động lực mạnh mẽ cho thế hệ cán bộ, đoàn viên thanh niên Bộ Ngoại giao. Mỗi bước chân đi trên mảnh đất lịch sử, tôi như đang được trở về cội nguồn và khám phá ra những góc nhìn mới của bản thân. Tinh thần yêu nước và ý chí kiên cường của thế hệ đi trước như tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi – những người đang nối tiếp sứ mệnh đối ngoại – để góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.
Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng được xây dựng trên khu đất rộng, bằng phẳng với diện tích trên 1.000m2, có khuôn viên thiết kế như một đóa sen nở rộ gợi nhớ về làng Sen quê Bác. (Ảnh: Phương Thảo)
Khẳng định mong muốn lan tỏa hơn nữa tinh thần Tháng Thanh niên đến thế hệ trẻ, Phó Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Ngoại giao Ngô Bá Hoàng Hải nhấn mạnh: “Trước hết, các bạn đoàn viên thanh niên phải tự trau dồi giá trị bản thân thông qua nâng cao kiến thức, phát triển kỹ năng nghiệp vụ, hiểu sâu về chuyên môn, cũng như truyền thống của ngành, từ đó có thể tham mưu, đề xuất trong quá trình công tác và hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao”.
Với khẩu hiệu “Giữ lửa truyền thống - Tiếp bước tương lai”, Phó Bí thư Đoàn thanh niên Bộ mong muốn các đoàn viên thanh niên ngành Ngoại giao, dù trên cương vị công tác nào, luôn đóng góp sức trẻ và khả năng sáng tạo để phấn đấu xây dựng cơ quan, đơn vị và giữ gìn truyền thống lịch sử, tiếp bước các thế hệ cha ông.
Trải nghiệm mới ở "thủ đô kháng chiến"
Rời Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, đoàn được mục sở thị Khu di tích lịch sử Bộ Ngoại giao, ở thôn Dõn, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, nơi từng đặt trụ sở Bộ từ cuối năm 1947-1954. Tôi cảm nhận được mỗi lối nhỏ, mỗi hàng cây, mỗi viên đá tại đây đều đã nhuốm màu lịch sử và là nhân chứng sống động cho thời kỳ lịch sử đầy gian khó, kiên trung của các thế hệ cán bộ ngoại giao.
Nhắc nhở các đoàn viên thanh niên về trách nhiệm gìn giữ, phát huy truyền thống ngoại giao tốt đẹp của cha ông và phát động hoạt động tình nguyện dọn dẹp, tôn tạo khu di được khai trang hơn, anh Ngô Bá Hoàng Hải không quên gửi lời cảm ơn chân thành đến chi đoàn xã Minh Thanh vì sự hỗ trợ trong công tác bảo tồn khu di tích để đoàn Bộ Ngoại giao có thể trở về vào những dịp đặc biệt.
Dâng hương tại Khu di tích lịch sử Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Phương Thảo)
Không chỉ là chuyến tìm về cội nguồn lịch sử, “Hành trình Về nguồn” còn là dịp để Đoàn Thanh niên Bộ lan tỏa yêu thương. Tại đây, anh Ngô Bá Hoàng Hải thay mặt đoàn trao những phần quà ý nghĩa cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Nhìn những nụ cười rỡ trên mặt các em nhỏ khiến tôi cảm nhận rõ hơn sự gắn kết giữa đoàn viên thanh niên Bộ và những mầm non tương lai của đất nước trong không khí tràn đầy tinh thần tương thân tương ái.
Nhân dịp này, Đoàn Thanh niên Bộ trao tặng 40 suất quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương (Ảnh: Bích Quyên)
Chia sẻ về ý nghĩa chuyến đi, ông Nguyễn Quốc Việt, Vụ Trung Đông - Châu Phi, Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: “Đây là dịp để các đoàn viên thanh niên của Bộ Ngoại giao, Học viện Ngoại giao và các đơn vị trực thuộc cùng tham gia, trải nghiệm và hiểu rõ hơn về giá trị lịch sử. Những ai đã từng đến đây, như bản thân tôi lần này là lần thứ hai, sẽ càng thấm nhuần hơn ý nghĩa của khu di tích Tân Trào đối với cách mạng Việt Nam nói chung và ngành ngoại giao nói riêng. Đây là nơi đánh dấu những bước đi đầu tiên của nền ngoại giao nước ta”.
Hy vọng các bạn thanh niên không chỉ đến với Tuyên Quang hay các di tích lịch sử cách mạng trong tháng ba này mà còn có thể vào bất kỳ dịp nào trong năm, để ôn lại và hiểu thêm về truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc, anh mong rằng mỗi người sẽ có thêm động lực và mục tiêu phấn đấu, đóng góp vào sự phát triển của chung đất nước.
Nhân dịp này, đoàn tổ chức hoạt động tình nguyện ý nghĩa bằng cách sơn sửa, dọn dẹp, chỉnh trang cho khu di tích. Nhìn những cán bộ, đoàn viên thanh niên tích cực, chỉn chu trong từng lớp sơn trắng trên bức tường lịch sử, tôi cảm nhận được tinh thần sáng tạo, nhiệt huyết của tuổi trẻ đã in hằn vào đó, sẵn sàng đồng lòng xây dựng diện mạo đất nước trên chương mới.
Vũ Quốc Tuấn, cán bộ của Ủy ban Biên giới quốc gia vui mừng chia sẻ: “Là một cán bộ ngoại giao trẻ, tôi luôn mang trong mình niềm tâm huyết và mong muốn cống hiến cho Bộ Ngoại giao. Tôi không ngại khó, ngại khổ để có thể góp một phần sức mình cho công tác chung của cộng đồng. Chương trình về nguồn lần này rất ý nghĩa, khi đã cho các đoàn viên thanh niên như chúng tôi, được biết đến sự đóng góp, cống hiến của các thế hệ đi trước, từ đó có tấm gương soi chiếu, tiếp tục cống hiến trên con đường sự nghiệp ngoại giao của mình”.
Cán bộ, đoàn viên thanh niên Bộ Ngoại giao tích cực sơn sửa, dọn dẹp, chỉnh trang Khu di tích lịch sử Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Phương Thảo)
Nguyễn Văn Trí, sinh viên Học viện Ngoại giao bày tỏ niềm vui và vinh dự khi tham gia hoạt động tân trang lại khu di tích. Theo Trí, đây là cơ hội để các bạn trẻ tạm rời xa náo nhiệt phố thị, tìm về cội nguồn, hiểu hơn về lịch sử. “Trải nghiệm khiến mình nhớ nhất trong hành trình hôm nay là đi về khu di tích Tân Trào, nơi Bác Hồ sống và làm việc. Đây là lần đầu tiên mình đến đó, đặc biệt hơn là quê mình ở Nghệ An, nơi Bác Hồ sinh ra, nên mình càng ngưỡng mộ vị cha chung của dân tộc”, Trí nói.
Với sinh viên Hoàng Hà Vân, Học viện Ngoại giao, chuyến hành trình về nguồn cùng Đoàn Thanh niên Bộ đã gieo trong lòng mỗi người niềm biết ơn và tự hào. Nhìn những ngôi nhà sàn đơn sơ, những phiến đá giản dị, Vân không khỏi ngưỡng mộ cách các bậc tiền nhân, từ những điều tưởng chừng nhỏ bé, đã kiến tạo nên nền hòa bình hôm nay.
Cán bộ, đoàn viên thanh niên Bộ Ngoại giao tích cực sơn sửa, dọn dẹp, chỉnh trang Khu di tích lịch sử Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Phương Thảo)
"Điều đó càng thôi thúc chúng em phải nỗ lực học tập, rèn luyện để phát huy những giá trị mà thế hệ đi trước đã dày công vun đắp. Khi trở về, em sẽ chia sẻ những câu chuyện và trải nghiệm của mình với các bạn khác, giúp các bạn cảm nhận rõ hơn niềm tự hào về lịch sử và vai trò thanh niên trong xã hội", Vân bày tỏ.
Niềm vui ấy cũng được Bí thư Đoàn xã Minh Thanh Ma Văn Vũ hưởng ứng: “Tôi hy vọng các bạn sẽ luôn giữ vững tinh thần trách nhiệm, tiếp bước truyền thống cha ông và không ngừng phát huy những thành quả mà các thế hệ đi trước đã để lại. Thanh niên hôm nay chính là lực lượng quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, lịch sử của đất nước”.
Kết thúc hành trình, mỗi thành viên đều trào dâng niềm hân hoan và tự hào. Với riêng tôi, đó còn là nhận thức sâu sắc về sứ mệnh gìn giữ, phát huy giá trị cha ông, cùng trách nhiệm góp phần đưa Việt Nam vươn xa. Chắc chắn, mỗi cán bộ, thanh niên trong đoàn đều thêm niềm tin, động lực để kế thừa truyền thống ngoại giao, đóng góp những bước đi vững chắc trên con đường phát triển và hội nhập của đất nước.
Đoàn kết thúc hành trình bằng tấm ảnh lưu niệm tại Khu di tích lịch sử Công an nhân dân Việt Nam. (Ảnh: Phương Thảo)
Phương Thảo
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/giai-dieu-moi-trong-bai-ca-ve-nguon-309471.html