Bọ cạp, hay còn gọi là Thần Nông, Hổ Cáp, Thiên Yết, là một loài động vật không xương sống thuộc lớp Arachnida (động vật hình nhện), bộ Scorpiones. Chúng được đặc trưng bởi một chiếc đuôi cong có móc độc ở phía sau cơ thể.
Bọ cạp là loài hóa thạch sống đã tồn tại ít nhất 400 triệu năm, chúng đã xuất hiện trước cả thời kỳ khủng long. Hình dạng của chúng gần như không thay đổi trong suốt hàng trăm triệu năm tiến hóa.
Bọ cạp có thể sống sót trong môi trường khắc nghiệt, có thể chịu được nhiệt độ từ -50°C đến 50°C, chúng sống ở khắp nơi trên thế giới trong sa mạc khô cằn lẫn rừng rậm nhiệt đới. Thậm chí, một số loài có thể sống sót sau khi bị đóng băng.
Dù ngoại hình của bọ cạp khá giống động vật giáp xác như tôm, cua nhưng loài bọ cạp lại có họ hàng thân thiết gắn bó hơn với bọ ve, bọ và nhện.
Loài bọ cạp có rất nhiều mắt (tối thiểu 6 mắt và nhiều nhất 12 mắt, tùy thuộc vào loài bọ cạp khác nhau) nhưng tầm nhìn của chúng không hề tốt chút nào. Tuy tầm nhìn mọi vật không được tốt nhưng bọ cạp vẫn có thể phân biệt được ánh sáng ban ngày hay ban đêm.
Khứu giác của bọ cạp rất tốt, chúng có thể cảm nhận các mùi khác nhau để tìm thức ăn và trốn khỏi kẻ thù nguy hiểm. Đặc biệt, bọ cạp có khả năng vô cùng nhạy bén, dựa vào các dao động của môi trường xung quanh, chúng có thể đoán được những gì đang hiện hữu và diễn biến như thế nào.
Bọ cạp có thể làm chậm sự trao đổi chất của chúng khi thực phẩm cực kỳ khan hiếm. Một số loài bọ cạp có thể sống tới 1 năm mà không cần ăn hay uống nước.
Bọ cạp là loài tiêu thụ thức ăn dạng chất lỏng, vì vậy trong nọc độc của chúng có chất đặc biệt khiến con mồi bị chuyển hóa thành chất lỏng để chúng có thể dễ dàng tiêu hóa. Chúng thường ăn các sinh vật sống như: nhện, côn trùng, ấu trùng thằn lằn, đôi khi là chuột nhỏ.
Những con bọ cạp con được gọi là scorplings. Chúng bám trên thân mẹ, để mẹ cõng cho đến lần lột xác đầu tiên của mình.
Tuổi thọ trung bình của bọ cạp là từ 2 - 10 năm. Có một số loài đặc biệt có thể sống đến 25 năm.
Khi chiếu tia cực tím (UV), bọ cạp phát sáng với màu xanh lục hoặc xanh dương. Nguyên nhân do lớp vỏ ngoài của chúng chứa một số hợp chất đặc biệt phản ứng với ánh sáng UV.
Hiện nay, các nhà khoa học đã phát hiện hơn 2.500 loài bọ cạp, nhưng chỉ khoảng 25 loài có nọc độc đủ mạnh để gây nguy hiểm cho con người.
Một điều thú vị là những con bọ cạp thường rất nhạy cảm với ánh sáng, vì vậy ít khi chúng di chuyển tới nơi có nhiều ánh nắng mặt trời. Những con bọ cạp thường kiếm ăn vào buổi đêm, và đến ban ngày chúng nghỉ ngơi trong các hố hoặc lỗ ở những tảng đá lớn.
Cơ thể chúng không có xương sống mà được bảo vệ bởi một lớp vỏ kitin cứng chắc, giúp chúng chịu đựng được sức ép khủng khiếp.
P.V (Tổng hợp)