'Giải mã' chùa Ba Đồn: Vì sao cỏ chỉ mọc trên những cồn mồ câm lặng?

'Giải mã' chùa Ba Đồn: Vì sao cỏ chỉ mọc trên những cồn mồ câm lặng?
12 giờ trướcBài gốc
Ẩn mình khiêm tốn trên đường Tam Thai, phường An Cựu (TP Huế), Ba Đồn có thể là ngôi chùa nhỏ nhất xứ Huế, nhưng lại sở hữu khuôn viên rộng lớn và đặc biệt bậc nhất.
Không giống các chùa truyền thống, nơi đây không có tiếng chuông mõ, không sư trụ trì, chỉ có các cư sĩ tại gia thay nhau trông nom, thắp nhang và gìn giữ không gian tâm linh.
Không gian thờ tự lớn bên trong chùa.
Chùa Ba Đồn gắn liền với ba nghĩa địa tập thể, được gọi là Đồn Nhất, Đồn Nhì và Đồn Ba – nơi hợp táng hàng ngàn hài cốt vô danh từ thời nhà Nguyễn (1802-1945).
Năm 2005, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế (nay là TP Huế) đã có quyết định công nhận chùa Ba Đồn và Nghĩa địa Ba Đồn là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, Đồn Nhất nằm ngay sau chùa với diện tích khoảng 170 m x 70 m, là nơi hợp táng 3.863 hài cốt được dời từ khu vực xây dựng Kinh thành Huế vào thời vua Gia Long.
Tấm bia ở Đồn nhất do vua ban.
Bia đá ghi dòng chữ: "Ân tử hợp táng vô tự chi mộ", nghĩa là "mộ hợp táng những người vô danh được vua ban ơn". Và dòng lạc khoản ghi: "Tuế thứ Quý Hợi niên tam nguyệt sơ thất nhật phụng khắc", tức là "Kính vâng mệnh khắc ngày mồng 7 tháng 3 năm Quý Hợi; nhằm ngày 27- 4-1803 dưới thời Gia Long".
Cổng vào chùa Ba Đồn.
Đồn Nhì hình thành khi triều đình tiếp tục di dời mồ mả vô chủ để xây đàn Nam Giao và lăng Gia Long, với khoảng 3.700 hài cốt. Cuối cùng là Đồn Ba, nơi hợp táng gần 2.300 hài cốt không có thân nhân khác.
Tại chùa Ba Đồn còn gắn với khu vực gọi là "Ngũ Trũng" – nơi chôn cất hàng ngàn đồng bào và binh sĩ tử trận trong sự kiện thất thủ Kinh đô ngày 5-7-1885. Thi thể của họ từng được chôn vội trong Kinh thành, sau này được cải táng về 5 nghĩa địa nhỏ trong khuôn viên chùa.
Những bãi đất bằng phẳng, bên trên chỉ có loài cỏ chỉ mọc là những khu mộ tập thể vô danh ở chùa Ba Đồn.
Điều khiến người dân và giới nghiên cứu tò mò nhất là hiện tượng sinh học kỳ lạ: trên các cồn mồ, chỉ duy nhất một loại cỏ – cỏ chỉ – có thể mọc, không có cây xanh nào khác tồn tại. Theo lời kể của người xưa, một nhà sư từng lý giải rằng các linh hồn ở đây không cho phép cây cối mọc lên để giữ sự yên tĩnh cho đất.
Chùa Ba Đồn không có sư trụ trì và có lẽ là ngôi chùa nhỏ nhất Huế.
Có giả thuyết khác cho rằng người ta từng rải muối để hạn chế mùi từ hài cốt, khiến đất không còn phù hợp cho cây sinh trưởng. Còn theo góc nhìn khoa học, khí phốt-pho sinh ra từ quá trình phân hủy xác người có thể làm nhiệt độ đất tăng cao, khiến cây không thể mọc – ngoại trừ cỏ chỉ lúp xúp sát mặt đất.
Chữ viết khắc trên chuông chùa Ba Đồn.
Vượt ra ngoài yếu tố tâm linh, chùa Ba Đồn là biểu tượng của lòng nhân đạo trong lịch sử triều Nguyễn, nơi thể hiện sự tri ân với những linh hồn vô danh. Không cần tiếng chuông hay kinh kệ, nơi đây vẫn luôn ấm khói hương, là điểm tựa tinh thần cho người dân xứ Huế, nơi họ lặng lẽ gửi gắm sự tưởng niệm và lòng thương cảm.
Nhung Đoàn - Bảo Kim
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/giai-ma-chua-ba-don-vi-sao-co-chi-moc-tren-nhung-con-mo-cam-lang-196250720163140693.htm