Giải mã cơ chế kỳ lạ khiến bạn không nghe thấy tiếng động khi đang ngủ

Giải mã cơ chế kỳ lạ khiến bạn không nghe thấy tiếng động khi đang ngủ
11 giờ trướcBài gốc
Nếu âm thanh đủ lớn hoặc quan trọng khiến chúng ta thức dậy, chúng ta sẽ có thể nhớ rằng mình đã nghe thấy âm thanh đó. Ngược lại, nếu không tỉnh giấc, bộ não sẽ “lờ đi” và coi như chúng ta chưa từng nghe thấy điều gì.
Đây được xem là một cơ chế đặc biệt giúp bảo vệ giấc ngủ, ngăn không cho chúng ta bị đánh thức bởi những âm thanh không cần thiết trong môi trường xung quanh. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc cơ thể hoàn toàn “đóng cửa” với thế giới bên ngoài - điều này sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu có mối đe dọa thật sự xuất hiện trong lúc chúng ta đang say giấc.
Bộ não vẫn “nghe” và phản ứng với âm thanh lớn
Những tiếng động lớn có khả năng đánh thức chúng ta cao hơn so với âm thanh nhỏ. Chẳng hạn, nếu ai đó làm rơi một vật cứng xuống sàn nhà vào ban đêm, chúng ta dễ giật mình tỉnh giấc, trong khi tiếng vo ve của muỗi lại có thể bị bộ não phớt lờ hoàn toàn.
Ảnh minh họa
Không chỉ độ lớn, loại âm thanh cũng đóng vai trò quan trọng. Những tiếng động bất thường hoặc mang tính chất cảnh báo sẽ được bộ não phân tích và đánh giá như mối đe dọa tiềm tàng. Chính cơ chế này giúp cơ thể có thể kịp thời phản ứng để tự vệ hoặc thoát thân nếu cần thiết.
Đây là cơ chế từng mang tính sống còn với tổ tiên chúng ta thời nguyên thủy - khi mà con người còn sống trong thiên nhiên hoang dã, không có nhà cửa kiên cố bảo vệ khỏi thú dữ như hổ hay sư tử. Dù ngày nay môi trường sống đã an toàn hơn rất nhiều, cơ chế cảnh báo và bảo vệ này của bộ não vẫn đóng vai trò quan trọng, đặc biệt khi xuất hiện những âm thanh lạ hoặc bất thường trong lúc ngủ.
Đáng chú ý, bộ não con người cũng có khả năng nhận diện và phản ứng mạnh mẽ với âm thanh cá nhân, ví dụ như tên gọi của chính mình. Chúng ta có xu hướng tỉnh giấc nhanh hơn nếu nghe ai đó gọi tên mình, thay vì gọi tên người khác.
Giấc ngủ và các giai đoạn ảnh hưởng đến khả năng “nghe”
Giấc ngủ không phải là một trạng thái đồng nhất, mà được chia thành nhiều chu kỳ luân phiên giữa ngủ nông và ngủ sâu. Mỗi đêm, trung bình một người sẽ trải qua khoảng 5–6 chu trình như vậy, tùy thuộc vào độ dài của giấc ngủ.
Trong giai đoạn ngủ nông, con người dễ bị đánh thức hơn. Ngược lại, trong giấc ngủ sâu - thường xảy ra ở nửa đầu đêm - não bộ có xu hướng “bỏ qua” nhiều âm thanh. Đây cũng là lý do vì sao tiếng gà gáy lúc sáng sớm dễ khiến chúng ta tỉnh giấc hơn so với cùng một âm thanh phát ra vào lúc nửa đêm, khi ta đang trong giấc ngủ sâu.
Độ nhạy cảm với âm thanh khác nhau ở mỗi người
Không phải ai cũng có mức độ phản ứng âm thanh giống nhau trong khi ngủ. Với người ít nhạy cảm, tiếng trò chuyện nhỏ trong nhà có thể không đủ để đánh thức họ. Ngược lại, người có mức độ nhạy cảm cao sẽ dễ bị làm phiền bởi những âm thanh dù là nhỏ nhất, chẳng hạn như tiếng xì xào trong phòng, khiến họ không thể duy trì giấc ngủ ổn định.
Nếu bạn thuộc nhóm người nhạy cảm với âm thanh, bộ não của bạn cũng sẽ nhanh chóng đưa ra quyết định đánh thức bạn dậy khi phát hiện những tiếng động “đáng ngờ”. Đây vừa là bất tiện trong cuộc sống hằng ngày, nhưng đồng thời cũng là một cơ chế bảo vệ quan trọng trong tiềm thức của con người.
Bảo Ngọc (t/h)
Nguồn Doanh Nghiệp : https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/giai-ma-co-che-ky-la-khien-ban-khong-nghe-thay-tieng-dong-khi-dang-ngu/20250509040052095