Giải mã hai chiếc áo dài của Hoàng thái hậu Từ Cung

Giải mã hai chiếc áo dài của Hoàng thái hậu Từ Cung
6 giờ trướcBài gốc
Hoàng thái hậu Từ Cung (1890-1980) là phi thiếp của vua Khải Định và thân mẫu của vua Bảo Đại. Bà là Hoàng thái hậu cuối cùng của triều đại Nhà Nguyễn.
Số phận đặc biệt
Theo thông tin từ Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, hai chiếc áo dài của Hoàng thái hậu Từ Cung được bà Công Tôn Nữ Kim Chi - cháu nội của An Phước Quận Vương Hồng Kiện (Hoàng tử thứ 10 của vua Thiệu Trị) - Hậu duệ Hoàng tộc triều Nguyễn đang sinh sống tại Mỹ ủy quyền cho ông Phạm Xuân Cương - cháu ngoại cụ Bửu Di (quan Cửu phẩm triều Nguyễn) và Hậu duệ của Thọ Xuân Vương Miên Định - Hoàng tử thứ ba của vua Minh Mạng trao tặng cho Trung tâm. Hai kỷ vật quý giá từng thuộc về Hoàng thái hậu Từ Cung (thân mẫu vua Bảo Đại) là áo dài bằng lụa màu đỏ có hoa văn với tay áo được chít đặc trưng phong cách cung đình và áo dài bằng lụa dệt kim tuyến, hiện đã mất hết khuy trong tình trạng vải bị mục tại một số vị trí.
Hậu duệ Hoàng tộc triều Nguyễn cho biết, những năm 1960, Hoàng Thái hậu Từ Cung đã trao tặng hai chiếc áo dài cho chị nuôi (một phụ nữ người Việt gốc Pháp) của bà Công Tôn Nữ Kim Chi làm kỷ niệm. Năm 1963, người chị nuôi mang theo hai chiếc áo trở về Pháp. Đến năm 1995, bà Công Tôn Nữ Kim Chi nhận lại hai chiếc áo dài khi đang sống tại Pháp rồi mang sang định cư ở Mỹ.
Hai chiếc áo dài của bà Từ Cung - thân mẫu của vua Bảo Đại được trao tặng cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế. Ảnh: Báo Nhân Dân.
Sau thời gian giữ gìn cẩn thận và với lòng tri ân quê hương, mong muốn gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, bà Công Tôn Nữ Kim Chi (SN 1951, trú ở California,Mỹ) đã ủy quyền cho ông Phạm Xuân Cương (SN 1967, trú ở TP HCM) trao tặng hai chiếc áo dài cổ truyền cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế để phục vụ công tác lưu giữ, bảo tồn và trưng bày các giá trị văn hóa triều Nguyễn.
Tại buổi tiếp nhận hiện vật, ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế bày tỏ tri ân đến bà Công Tôn Nữ Kim Chi đã hiến tặng hiện vật, cảm ơn ông Phạm Xuân Cương đã vận chuyển và trao lại cho Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế. Ông Hoàng Việt Trung chia sẻ: “Việc hiện vật được trao tặng và trở về Huế không chỉ làm phong phú thêm kho tư liệu bảo tồn mà còn thể hiện tấm lòng trân quý di sản của hậu duệ triều Nguyễn”.
Hai chiếc áo dài cổ truyền là những kỷ vật có giá trị lịch sử và văn hóa đặc biệt gắn liền với Hoàng thái hậu Từ Cung. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cam kết lưu giữ và bảo quản hiện vật theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế để giới thiệu đến công chúng.
Đời thăng trầm của chủ nhân hai chiếc áo
Hoàng thái hậu Từ Cung - chủ nhân hai chiếc áo dài nói trên, tên húy là Hoàng Thị Cúc, sinh năm 1890 tại làng Mỹ Lợi, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế. Bà xuất thân từ một gia đình trung lưu, không thuộc hàng quý tộc. Tuy vậy, với nhan sắc đằm thắm và phẩm hạnh đoan trang, Hoàng Thị Cúc được tuyển vào hoàng cung và trở thành một trong những cung tần của vua Khải Định.
Không lâu sau, vào năm 1913, bà hạ sinh hoàng tử Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, người con trai duy nhất của vua Khải Định. Sự kiện này đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời bà, vì Vĩnh Thụy sau đó trở thành người kế vị ngai vàng và là vị hoàng đế cuối cùng của nhà Nguyễn – vua Bảo Đại. Sau khi Khải Định băng hà năm 1925 và Vĩnh Thụy lên ngôi, bà được tấn phong làm Hoàng thái hậu, lấy hiệu là Từ Cung – một tước hiệu mang ý nghĩa nhân từ và hiền hậu, phản ánh đúng con người và phong thái của bà.
Với tư cách là mẹ vua, Hoàng thái hậu Từ Cung sống trong Tử Cấm Thành Huế, là người đứng đầu hậu cung và có vai trò quan trọng trong duy trì lễ nghi, nề nếp gia phong của hoàng triều. Khác với nhiều bậc Hoàng thái hậu quyền lực trong lịch sử, bà không can dự vào chính sự. Bà Từ Cung lựa chọn một cuộc sống trầm mặc, giữ mình thanh tịnh giữa chốn hoàng cung, đặt trọn tâm huyết vào việc giáo dưỡng hoàng tử và duy trì cốt cách của một gia đình hoàng tộc giữa thời đại đang đổi thay.
Với sự lên ngôi của vua Bảo Đại trong bối cảnh Việt Nam là một quốc gia thuộc địa dưới ách đô hộ của Pháp, vai trò của Từ Cung Thái hậu cũng phần nào phản ánh vị thế bấp bênh của chế độ phong kiến cuối triều Nguyễn. Mặc dù là mẹ vua, bà không có quyền lực thực sự, và cuộc sống trong cung của bà cũng bị giới hạn bởi những quy tắc nghiêm ngặt của cả triều đình và thực dân. Dẫu vậy, bà vẫn kiên trì giữ gìn phẩm giá và phong thái của một mẫu nghi thiên hạ.
Nhà số 145 Phan Đình Phùng ở thành phố Huế, nơi Hoàng thái hậu Từ Cung sống những năm cuối đời. Ảnh: Quốc Lê.
Năm 1945, khi vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị và trao lại ấn kiếm cho đại diện Chính phủ Cách mạng Lâm thời Việt Nam, nhà Nguyễn chính thức cáo chung. Trong biến cố ấy, bà Từ Cung chọn ở lại Huế thay vì theo con trai sang nước ngoài. Năm 1955, bà chuyển từ cung An Định lộng lẫy về sống trong ngôi nhà giản dị hơn nhiều trên đường Phan Đình Phùng, với sự chăm sóc của vài người thân tín, lặng lẽ chứng kiến bao đổi thay của đất nước.
Hoàng thái hậu Từ Cung qua đời vào ngày 9/11/1980, thọ 91 tuổi. Tang lễ của bà được tổ chức trọng thể, thể hiện sự kính trọng sâu sắc của cả người dân lẫn chính quyền đối với một người phụ nữ đã sống gần trọn thế kỷ trong sự tôn nghiêm, đức độ và khiêm nhường. Ngôi nhà nơi bà từng sống những năm cuối đời nay trở thành một địa điểm lưu niệm gắn liền với di sản văn hóa Cố đô Huế.
Vào ngày 20/5, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tổ chức tiếp nhận hai chiếc áo dài của Hoàng thái hậu Từ Cung từ con cháu Hoàng tộc triều Nguyễn. Đây là hiện vật vô cùng đặc biệt trong lịch sử triều Nguyễn.
Thanh Bình
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/giai-ma-hai-chiec-ao-dai-cua-hoang-thai-hau-tu-cung-post1543054.html