Khoảng 30% dân số thế giới từng bị 'bóng đè'.
Tuy nhiên, ngành khoa học thần kinh và giấc ngủ đã khám phá ra nguyên nhân đằng sau hiện tượng này.
Ác mộng trong trạng thái tỉnh táo
Năm 2005, ở tuổi 19, Baland Jalal tỉnh dậy giữa đêm trong trạng thái nhận thức rõ ràng mọi thứ xung quanh, nhưng hoàn toàn không thể cử động hay phát ra âm thanh. Anh cảm thấy như có một thế lực vô hình đang đè nặng lên ngực, bóp cổ và cố gắng sát hại mình. “Tôi tưởng rằng mình sẽ chết. Cảm giác như mọi điều xấu xa trong vũ trụ hội tụ lại, và nó đang hiện diện trong chính phòng ngủ của tôi”, Jalal hồi tưởng.
Trải nghiệm ám ảnh này đã đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời Jalal, thôi thúc anh theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu hiện tượng “bóng đè”. Đây là trạng thái rối loạn giấc ngủ đặc trưng bởi sự tỉnh táo về ý thức trong khi cơ thể vẫn bị “khóa” do ảnh hưởng của giai đoạn chuyển động mắt nhanh (REM) của chu kỳ giấc ngủ.
Hiện nay, ở tuổi 39, Jalal là nhà nghiên cứu tại Khoa Tâm lý học của Đại học Harvard và là một trong những chuyên gia hàng đầu về chứng tê liệt khi ngủ, còn gọi là “bóng đè”. Ông cho biết mình bị ám ảnh bởi câu hỏi: Tại sao ý thức phục hồi trước khi cơ thể được giải phóng khỏi tình trạng tê liệt, và điều gì khiến một số người cảm nhận những ảo giác đáng sợ như ma quỷ hay sinh vật kỳ bí?
Giấc ngủ REM vốn là giai đoạn giấc ngủ sâu và có nhiều giấc mơ sống động nhất. Để bảo vệ cơ thể khỏi hành vi theo giấc mơ, não bộ khiến cơ thể tê liệt tạm thời. Tuy nhiên, trong tê liệt khi ngủ, sự bất tương thích giữa ý thức và chức năng vận động khiến người bệnh bị “mắc kẹt” giữa trạng thái mơ và tỉnh, dẫn đến cảm giác hoang mang và sợ hãi.
Khoảng 30% dân số thế giới từng trải qua ít nhất một lần tê liệt khi ngủ, theo thống kê của tạp chí Cleveland Clinic. Trong phần lớn trường hợp, hiện tượng này kéo dài không quá vài phút và không gây hậu quả thể chất. Tuy nhiên, với những người bị tái phát thường xuyên, trải nghiệm này có thể làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng giấc ngủ và sức khỏe tâm thần.
Những người bị 'bóng đè' thường gặp ảo giác đáng sợ.
Những ảo giác kỳ lạ và dấu vết văn hóa
Khoảng 40% người từng trải qua tê liệt khi ngủ cho biết họ gặp phải ảo giác từ cảm giác bị đè lên ngực, mất cơ thể, cho đến hình ảnh của những sinh vật kỳ bí. Và với khoảng 90% trong số này, các ảo giác mang màu sắc đáng sợ như bóng ma, người ngoài hành tinh, phù thủy, thậm chí là những “thế lực siêu nhiên” cố gắng sát hại họ.
Theo ông Jalal, những ảo giác và cách người bệnh lý giải trải nghiệm này bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi văn hóa. Ở Ai Cập hay Italy, nhiều người tin rằng phù thủy hoặc thần đèn độc ác là nguyên nhân gây ra tê liệt khi ngủ. Họ tin rằng, trải nghiệm đó có thể gây chết người. Ngược lại, ở các nước như Đan Mạch, Ba Lan hoặc một số khu vực của Mỹ, người dân ít liên hệ hiện tượng này với yếu tố siêu nhiên, và do đó cũng ít cảm thấy sợ hãi hơn.
“Tại sao chúng ta nhìn thấy những con quái vật? Có phải đó là giấc mơ tràn vào ý thức? Theo nghiên cứu của tôi, không hẳn vậy. Đó là một phần, nhưng yếu tố then chốt nằm ở cách não bộ phản ứng trong tình huống căng thẳng cao độ khi nhận thức bị ngắt kết nối khỏi cơ thể”, ông Jalal nói.
Khi nhận thức đã hồi phục nhưng cơ thể vẫn bất động, não bộ sẽ phát tín hiệu yêu cầu cơ thể cử động, một phản ứng sinh tồn tự nhiên. Tuy nhiên, khi cơ thể không thể phản hồi, sự căng thẳng thần kinh sẽ được não diễn dịch như mối đe dọa, từ đó kích hoạt các hình ảnh và cảm giác ảo giác mang tính phòng vệ hoặc sợ hãi tột độ.
Về nguyên nhân sinh học, các nhà khoa học xác định đây là trục trặc trong quá trình chuyển đổi giữa thức và ngủ, đặc biệt khi giấc ngủ bị phân mảnh hoặc gián đoạn. Các yếu tố làm tăng nguy cơ bao gồm căng thẳng mãn tính, lo âu, rối loạn stress sau chấn thương (PTSD), rối loạn lưỡng cực, và rối loạn hoảng sợ.
Jalal cho biết phần lớn các cơn tê liệt ông từng trải qua xảy ra trong giai đoạn đi học khi ông bị áp lực và thiếu ngủ. Hiện tại, tình trạng này chỉ diễn ra khoảng một đến hai lần mỗi năm, thường vào những thời điểm căng thẳng cao độ.
Ngoài ra, các yếu tố như lệch múi giờ, lịch ngủ thất thường, thiếu ngủ, chứng ngủ rũ (narcolepsy), hoặc các yếu tố di truyền cũng góp phần làm tăng nguy cơ. Các chứng bệnh như ngưng thở khi ngủ, rối loạn sử dụng chất kích thích, và việc sử dụng một số loại thuốc, như thuốc điều trị ADHD, cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Hiện nay, chưa có biện pháp điều trị tận gốc vấn đề nhưng ông Jalal gợi ý liệu pháp 4 bước cơ bản. Liệu pháp này đã được thử nghiệm trên người, ghi nhận giảm 50% tần suất các cơn “bóng đè”.
Thứ nhất, người bị “bóng đè” hãy tái diễn giải nhận thức. Khi rơi vào cơn tê liệt, nhắm mắt lại và nhắc bản thân rằng đây là hiện tượng bình thường, không nguy hiểm, và sẽ trôi qua. Việc hiểu rõ bản chất sinh lý sẽ giúp giảm sợ hãi.
Sau đó, tách biệt cảm xúc. Nhận thức rằng não đang “chơi khăm” bạn. Điều này không có thật và sự sợ hãi sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình.
Tiếp theo, hãy chuyển hướng chú ý. Bạn cần tập trung vào điều tích cực, như cầu nguyện, hình dung người thân yêu hoặc hồi tưởng kỷ niệm hạnh phúc. Việc chuyển đổi dòng suy nghĩ sẽ làm giảm ảo giác tiêu cực.
Cuối cùng là giữ nguyên và thư giãn. Trái ngược với lời khuyên cố cử động ngón tay hoặc chân để “thoát ra”, Jalal khuyên nên thư giãn hoàn toàn cơ bắp và không di chuyển. Việc cố gắng cử động trong khi cơ thể vẫn bị “khóa” có thể kéo dài tình trạng hoặc gây thêm ảo giác.
Theo CNN
Nguyễn Minh