Ngay từ khoảnh khắc công chúng nhìn thấy bức ảnh cười tươi, không đeo khẩu trang của nghi phạm sát hại CEO UnitedHealthcare Brian Thompson ở nhà trọ tại thành phố New York, các bức ảnh về ngoại hình của người này bắt đầu được lan truyền. Kể từ đó, sau khi Luigi Mangione bị cáo buộc tội giết người, các hình ảnh về nghi phạm lan tràn khắp mọi nơi.
Mangione xuất hiện trên truyền hình, trên báo và trên khắp các phương tiện truyền thông xã hội. Ảnh bị giam giữ tại đồn cảnh sát ở Altoona, Pennsylvania. Ảnh chân dung do cảnh sát chụp (mugshoot) mặc áo màu cam trong tù. Ảnh mặc blazer, mặc áo sơ mi trắng và đeo cà vạt. Ảnh cởi trần đi hiking trên đồi.
Trong tất cả bức ảnh trước khi bị bắt, Mangione cạo râu sạch sẽ, tóc xoăn, thường nở nụ cười tươi tắn. Hồ sơ trên ứng dụng hẹn hò Tinder của Mangione cũng bị đào lại, với nhiều bức ảnh có cơ bụng 6 múi.
Theo sau những bức ảnh này là hàng tá bình luận. Cùng sự "mê mẩn" của công chúng. Theo New York Times, công chúng Mỹ nhanh chóng gọi Mangione là “sát nhân nóng bỏng”.
Hiệu ứng hào quang và tâm lý "kẻ cướp chính nghĩa"
“Tại sao trong tù lại có một buổi chụp hình chuyên nghiệp vô tận như thế này, chuyện gì đang xảy ra vậy?”, một người dùng mạng xã hội X bình luận về ảnh mugshot của nghi phạm.
“Nếu anh chàng đó vạm vỡ (fit), thì phải tuyên vô tội (acquit)”, một bài đăng khác chơi chữ, phỏng theo câu nói nổi tiếng trong lịch sử pháp lý Mỹ: If it doesn’t fit, you must acquit - Nếu nó (vật chứng) không khớp, phải tuyên trắng án.
“Anh ấy thậm chí trông còn quyến rũ hơn nữa khi không đeo khẩu trang và cởi áo”, một bài đăng khác nhận xét.
Ảnh mugshoot của Luigi Mangione. Ảnh: Reuters.
Ngay cả trước khi tìm ra thân phận nghi phạm nào đó, nhiều bài viết đã nhắc tới kẻ giết người được tâng bốc thành anh hùng trong văn hóa dân gian. Mangione được đóng khung trong vai trò “kẻ cướp chính nghĩa” (social bandit), một cụm từ của nhà sử học Eric Hobsbawm, ám chỉ đến những cá nhân đứng lên phản ứng với một hệ thống bất công, dù họ phạm tội.
Sau khi Mangione bị buộc tội bắn và sát hại ông Thompson, Halo Effect (tạm dịch: hiệu ứng hào quang) bắt đầu xuất hiện. Đây là thuật ngữ mô tả tâm lý khi con người có ấn tượng với một đặc điểm tích cực của ai đó, họ thường nhanh chóng cho rằng người đó cũng tốt đẹp ở khía cạnh khác, ví dụ như gắn sự vô tội với vẻ ngoài hấp dẫn.
Trên mạng xã hội có những phản ứng trái chiều về vụ giết người và bắt giữ Mangione: Sự cảm thông cho ông Thompson và gia đình cùng sự tức giận với hệ thống chăm sóc sức khỏe phức tạp và tốn kém của nước Mỹ. Có người thậm chí còn ca ngợi Mangione là người hùng.
Hiệu ứng hào quang, kết hợp với hiện tượng kẻ cướp chính nghĩa, tạo ra một hình mẫu văn hóa đại chúng đầy bùng nổ. Hình mẫu này được những nhà làm phim viễn tưởng hay Hollywood yêu thích và ăn sâu vào tâm lý xã hội.
Điển hình chính là siêu trộm “cướp của người giàu chia cho người nghèo” Robin Hood do diễn viên nổi tiếng Russell Crowe thủ vai; tướng cướp Jesse James do tài tử Brad Pitt, Colin Farrell, Rob Lowe và Tyrone Power đóng; hay Butch Cassidy và The Sundance Kid - lấy ý tưởng về hai tên trộm ngân hàng lừng danh trong lịch sử Mỹ - đạt tới 4 giải Oscar. Những tác phẩm này vẽ nên một góc nhìn lãng mạn hóa, đầy lôi cuốn của những tội phạm bạo lực.
Truyền thông và phim ảnh tô hồng tội phạm
Trong trường hợp của Mangione, anh dường như hoàn toàn phù hợp với một cốt truyện có sẵn, được nhà máy của những giấc mơ Hollywood tô hồng, đi kèm với mọi định kiến và sự khoan dung. Mangione trông rất “hợp vai”.
Và chính Internet cũng tung hứng bức chân dung đó, định hình dựa trên ngoại hình của nhân vật chính - mà cụ thể là vóc dáng - trước khi biết chính xác những chi tiết liên quan.
Trong quá khứ, rất nhiều lần công chúng thần tượng hóa người có ngoại hình đẹp bị giam giữ, đặc biệt là với đàn ông da trắng. Ví dụ nổi bật nhất là sát nhân Charles Manson và hàng loạt phụ nữ làm bạn qua thư với Manson khi ông ở trong tù.
Michael TenEyck - Phó giáo sư tội phạm học tại Đại học Texas - nhận định có nhiều nghiên cứu cho thấy "ngoại hình hấp dẫn có liên quan đến việc giảm khả năng bị bắt giữ và giảm thời gian ngồi tù", đặc biệt khi đi kèm với vẻ ngoài chỉn chu.
Mạng xã hội là tác nhân thúc đẩy tâm lý này, khi ảnh là phương tiện truyền thông giúp công chúng đưa ra phán đoán và định kiến, trước khi biết câu chuyện đằng sau. Hoặc trong một số trường hợp, ảnh cho phép người xem đi thẳng đến kết luận, trước khi thông tin chính xác về bản chất con người đằng sau khuôn mặt và cơ thể đó.
Ví dụ, trước vụ án CEO UnitedHealthcare, vụ án Jeremy Meeks - hay còn được gọi là "tên tội phạm nóng bỏng", một cựu thành viên băng đảng Crips từng bị giam giữ vì tội trộm cắp tài sản - cũng gây chú ý. Ảnh chụp mugshoot của Meeks trở thành hiện tượng mạng. Meeks trở thành người mẫu sau khi được thả và hiện có một triệu người theo dõi trên Instagram.
Trước Luigi Mangione, Jeremy Meeks cũng từng khiến cư dân mạng xôn xao vì vẻ ngoài. Ảnh: Stockton Police Department.
Vấn đề là, mỗi khi chi tiết mới được thêu dệt, câu chuyện ban đầu lại mất đi một phần nỗi kinh hoàng đằng sau và trở nên hào nhoáng hơn. Chẳng có gì ngạc nhiên khi nhiều người nổi tiếng bắt đầu đề cập tới Mangione.
Không lâu sau khi những bức ảnh của nghi phạm xuất hiện, Jameela Jamil - diễn viên kiêm người dẫn chương trình truyền hình người Anh - tuyên bố: “Một ngôi sao đã ra đời”.
Jonathan Van Ness - một trong những ngôi sao của Queer Eye - gợi ý mùa tiếp theo “nên dành riêng cho Luigi Mangione”. Queer Eye là chương trình lột xác nhờ khiếu thẩm mỹ và kinh nghiệm chuyên môn của 5 chuyên gia. “Tôi sẽ không động vào những lọn tóc xoăn đó. Có lẽ chỉ cần làm lại một chút. Nhưng lông mày thì chắc chắn không cần chỉnh rồi”, Jonathan Van Ness nói.
Trong khi đó, Ezra Sosa từ chương trình "Dancing With the Stars" đã làm một video TikTok với bài hát "Lips Like Sugar", gợi ý Mangione sẽ là bạn nhảy của anh ở mùa 34.
Nhiều người trên mạng xã hội cũng yêu cầu Ryan Murphy - nhà sản xuất của loạt phim American Crime Story, hay Netflix, sản xuất câu chuyện về Mangione.
Song sau tất cả những xôn xao về vẻ bề ngoài, hay nếu thời gian viết lại các chi tiết liên quan tới những vụ án, điều bị lãng quên chính là bạo lực và các nạn nhân.
Tiếng hét của nghi phạm vụ sát hại CEO UnitedHealthcare Luigi Mangione - nghi phạm trong vụ nổ súng sát hại CEO của UnitedHealthcare - đã hét lên: "Điều này là sự vô cảm, sự xúc phạm đến trí thông minh của người dân Mỹ".