Ảnh: Reuters.
Giới báo chí từ lâu luôn thắc mắc về hiệu quả làm việc của Cục tình báo trung ương Mỹ CIA. Tại sao một tổ chức với nguồn tài chính khổng lồ, chỉ tuyển dụng những người thông minh và giỏi nhất, cũng như có phạm vi hoạt động rộng nhất so với các tổ chức tình báo khác, lại không đạt được nhiều thành tích tốt hơn?
Trong cuốn The Mission, Tim Weiner, người viết bài về CIA trên tờ New York Times, đã đưa ra nhiều câu trả lời cho câu hỏi quan trọng này.
CIA không được coi trọng?
Như Tim Weiner đã chỉ ra gần 20 năm trước trong Legacy of Ashes, cuốn sách về lịch sử CIA từ khi thành lập năm 1947 đến cuối thế kỷ 20, vị thế của CIA vào cuối những năm 1990 khá thấp. CIA bị thiếu ngân sách trầm trọng và chảy máu nhân tài.
Nhưng chính quyền mới của Mỹ lên nắm quyền vào đầu năm 2001 không quá chú ý đến điều này. Vào tháng 3 năm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld đã phát biểu trước Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân rằng: "Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, đất nước không phải đối mặt với bất kỳ thách thức chiến lược nào".
Chỉ sáu tháng sau, vụ khủng bố 11/9 xảy ra. CIA từng cố gắng thuyết phục Tổng thống George W. Bush về mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, nhưng không ai trong chính quyền lắng nghe. Trong chính quyền Mỹ, cơ quan này đã quá suy yếu.
Không chỉ trong nước Mỹ, mà CIA cũng chịu chỉ trích từ những người trong ngành tình báo Anh khi mối quan hệ hai bên không tốt đẹp. Cơ quan tình báo Anh SIS, thường được gọi là MI6, tin rằng CIA có một cách tiếp cận đôi lúc ngây thơ, như trong việc để cho Cơ quan Tình báo Liên quân Pakistan (ISI) dẫn dắt một cách mù quáng ở Afghanistan.
CIA chỉ thực sự vỡ lẽ khi hoạt động do thám truyền thống của họ tự phát hiện ra Osama bin Laden đang sống cùng với các quan chức quân sự cấp cao của Pakistan tại Abbottabad.
Nội tình các nhân vật quan trọng
Ngoài ra, CIA còn bị giới tình báo quốc tế chỉ trích vì cách hoạt động ngoài lĩnh vực an ninh tình báo của họ. CIA ra đời không chỉ có mục đích thu thập thông tin tình báo mà còn phục vụ mong muốn của các tổng thống Mỹ, từ Truman trở đi, rằng cơ quan này hướng tới trở thành một đội quân bí mật.
Cuốn sách ra mắt ngày 15/7. Ảnh: Amazon.
Nhiều đời tổng thống Mỹ đã sử dụng CIA.
Một ví dụ điển hình là vụ bê bối Iran-Contra bị lộ ra vào những năm 1980. Công chúng đã phát hiện ra các quan chức trong chính quyền Reagan bí mật bán vũ khí cho Iran rồi dùng số tiền thu được để tài trợ cho những hành động quân sự của CIA ở Nicaragua.
Điều này được minh chứng với sự tàn bạo của Gina Haspel, người đã phụ trách và giám sát một trong những nhà tù bí mật của CIA trước khi trở thành nữ giám đốc đầu tiên của CIA.
Để viết nên cuốn sách của mình, các nguồn tin của Weiner rất đa dạng, trong đó có một số nhân vật cấp cao của CIA. Những người này đã cởi mở với tác giả và giúp cho cuốn sách chứa đựng nhiều chi tiết mới quan trọng, tuy nhiên, phần nào còn chủ quan.
Ví dụ, lời kể của Weiner về mối liên hệ giữa Donald Trump và Vladimir Putin vào năm 2016 dựa trên thông tin nội bộ, và điều này dẫn đến tác giả khẳng định rằng Trump chịu nhiều ảnh hưởng của Putin.
Không còn nghi ngờ gì nữa, ông Trump đã làm giảm sức ảnh hưởng của CIA, nhưng ông không giúp Putin nhiều như những gì mọi người nghĩ.
Là tác phẩm của một nhà báo, cuốn sách mang đậm dấu ấn báo chí. Được viết một cách ly kỳ, hấp dẫn với rất nhiều thông tin, The Mission được cho là xứng đáng mang về cho tác giả Weiner giải Pulitzer thứ hai.
Minh Hoa