Ông Lương Công Đào đang giải thích về ý nghĩa của sợi chỉ buộc trên cổ tay người Thái
Nơi gửi gắm niềm tin
Khi ánh bình minh báo hiệu một ngày mới vừa ló rạng sau đỉnh núi, trong ngôi nhà của ông Lô Văn N. ở bản Thanh Dương, xã Sơn Lâm (Nghệ An) đã rộn rã tiếng người nói cười vui vẻ. Gia đình ông N. chuẩn bị "làm vía" cho người con dâu vừa đi lao động từ Đài Loan trở về. "Người thân gia đình tôi mới đi xa trở về, theo phong tục người Thái, chúng tôi sẽ tổ chức làm vía cho cháu để cầu mong được mạnh khỏe, may mắn, phấn khởi", một thành viên trong gia đình ông N. cho biết.
Theo ông Lương Công Đào (80 tuổi), một người uy tín ở xã Sơn Lâm, người đã gắn bó với nghi lễ này từ thời còn là chàng trai trẻ, làm vía không phải là công việc của thầy mo hay thầy cúng mà là của những người nắm giữ kiến thức và kỹ năng thực hiện các nghi thức đặc biệt này. "Làm vía" trong văn hóa Thái rất đa dạng, gắn liền với mọi khía cạnh của đời người, từ những biến cố không may mắn đến những sự kiện vui mừng.
Từ khi sinh ra đến khi trở về với cát bụi, mỗi người phải có ít nhất hai lần được làm vía. Ảnh Thanh Chôm
"Mỗi con người đều có hồn vía. Người Thái thường tổ chức làm vía khi có trẻ chào đời, lúc con gái về nhà chồng, khi trong nhà có người thân bị mất, có người đi xa trở về, gặp tai nạn, ốm đau bệnh tật, phụ nữ sau khi sinh nở hay gọi vía về ăn tết… Cháu có thể làm vía cho ông bà để cầu chúc ông bà sức khỏe, đó như là trao tặng món quà quý. Trong quan niệm của người Thái, từ khi sinh ra đến khi trở về với cát bụi, mỗi người phải có ít nhất hai lần được làm vía", ông Đào giải thích.
Một trong những công dụng chính của nghi lễ làm vía là "gọi hồn về". Người Thái tin rằng, những rủi ro, tai ương trong cuộc sống như ốm đau lâu ngày, yếu ớt, gặp tai nạn (tai nạn xe cộ), đi rừng bị lạc đường hay đi xa không về nhà nhiều ngày, thậm chí cả những hiện tượng như tè dầm ở trẻ nhỏ, đều có thể do hồn vía của người đó bị mất hoặc rời khỏi thân thể. Trong những trường hợp này, nghi lễ gọi hồn về sẽ được thực hiện.
Hầu hết người Thái ở xã Sơn Lâm đều có sợi chỉ buộc trên cổ tay
Ông Đào giải thích, khi một người bị ốm yếu, người thân sẽ mang chiếc áo của họ đến để người làm vía khấn vái, mời gọi hồn vía trở về với thân chủ. Với những trường hợp như tai nạn hay bị lạc đường, việc "gọi hồn về" cũng được tiến hành, thường đi kèm với việc cúng một con gà hoặc một con lợn, tùy theo điều kiện của gia đình.
Nghi lễ này mang ý nghĩa trấn an tinh thần, giúp người bệnh hoặc người gặp nạn tìm lại sự bình yên, mạnh khỏe. Nó tương tự như nghi thức "giải hạn" hay "cúng giải tai" trong văn hóa của người Kinh, thể hiện một niềm tin chung vào việc hóa giải những điều không may mắn.
Cầu an bình, hạnh phúc
Bên cạnh vai trò hóa giải rủi ro, làm vía còn là nghi lễ quan trọng trong các sự kiện vui mừng, mang ý nghĩa chúc phúc và cầu may mắn cho tương lai. Đối với trẻ sơ sinh, nghi lễ làm vía có thể được thực hiện rất sớm, chỉ sau 2-3 ngày hoặc khoảng 10 ngày sau khi sinh, khi người mẹ đã hoàn tất giai đoạn "kiêng cữ" ban đầu.
Người Thái tin rằng, sợi dây vía có tác dụng bảo hộ, giúp hồn vía luôn bám sát vào thể xác, mang lại sự bình an và khỏe mạnh
"Cũng giống như người Kinh làm lễ đầy tháng. Làm vía cho trẻ sơ sinh nhằm cầu mong cho đứa trẻ mạnh khỏe, chóng lớn, sau này khôn ngoan, học giỏi, thành đạt. Đây là những mong muốn tốt đẹp nhất mà ông bà, cha mẹ dành cho thế hệ tương lai. Thường, một con gà sẽ được dùng trong nghi lễ mừng vía cháu", ông Đào chia sẻ.
Ngoài ra, khi con cháu từ xa trở về thăm nhà, ông bà, cha mẹ cũng làm vía để bày tỏ sự vui mừng, chào đón và cầu mong bình an cho người thân. Khi trong nhà có người lấy vợ, lấy chồng, chắc chắn sẽ tổ chức làm vía để cầu cho tình duyên vợ chồng bền chặt, hạnh phúc và hòa hợp.
Đối với lễ cưới, yêu cầu về vật phẩm cúng vía cũng khắt khe hơn, không ai dùng một con gà đơn lẻ mà bắt buộc phải có một con lợn hoặc ít nhất là hai con gà để làm vía, tượng trưng cho sự có đôi có cặp. Mọi thứ trên mâm cúng vía cho đám cưới đều phải được sắp xếp theo cặp, như hai chén rượu, hai vắt cơm, để thể hiện sự gắn kết đôi lứa, tránh sự lẻ loi có thể dẫn đến chia ly…
Ông Lương Công Đào (giữa) là người uy tín và thường làm vía cho người dân ở xã Sơn Lâm
Sau khi nghi lễ làm vía hoàn tất, một sợi dây vía (có thể là sợi chỉ, sợi dây vải nhỏ) sẽ được buộc vào cổ tay của người được làm vía. Sợi dây này mang một ý nghĩa tâm linh sâu sắc, nó được tin là sẽ giữ hồn vía của người đó, không cho hồn vía rời khỏi thân thể. Người Thái tin rằng, sợi dây vía có tác dụng bảo hộ, giúp hồn vía luôn bám sát vào thể xác, mang lại sự bình an và khỏe mạnh. Đặc biệt, sợi dây này không được tự ý tháo bỏ mà phải để tự nhiên đứt hoặc rơi ra, thể hiện sự tôn trọng đối với ý nghĩa tâm linh của nó.
Một khía cạnh ít được biết đến nhưng vô cùng quan trọng của nghi lễ làm vía là việc thực hiện cho những người thân còn sống sau khi có người thân qua đời. Theo ông Đào, khi cha mẹ hoặc người thân mất đi, con cháu thường khóc lóc, thương tiếc sâu sắc.
Người Thái tin rằng, sự đau buồn quá mức có thể khiến hồn vía của người sống bị xao động, thậm chí có nguy cơ đi theo người đã khuất. Do đó, sau khi chôn cất, nghi lễ làm vía sẽ được tiến hành để "giữ hồn, giữ vía" cho những người còn sống, giúp họ không bị ảnh hưởng tiêu cực từ sự mất mát và hồn vía của họ vẫn được gắn chặt với cơ thể.
Theo ông Đào, mâm cúng vía tùy thuộc vào điều kiện gia đình. Ảnh Thanh Chôm
Gìn giữ nét đẹp văn hóa tâm linh
Nghi lễ làm vía của người Thái ở Sơn Lâm không chỉ là một chuỗi các hành động tín ngưỡng mà còn là biểu hiện sống động của văn hóa truyền thống, được truyền từ đời này sang đời khác. "Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, nghi thức đã được đơn giản hóa để phù hợp hơn với đời sống hiện đại. Quy mô của các bữa cúng vía có thể tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình. Có nhà làm 1-2 mâm cơm mời người thân nhưng cũng có gia đình làm 20-30 mâm mời cả họ hàng. Tuy nhiên, những yếu tố cốt lõi của làm vía như việc sử dụng gà hoặc lợn, ý nghĩa của việc gọi hồn và giữ vía, hay biểu tượng của sợi dây vía vẫn được duy trì nguyên vẹn", ông Đào cho biết.
Ông Đào nói rằng, làm vía là nét đẹp trong văn hóa của người Thái, giúp con người có niềm tin vào cuộc sống, từ đó lạc quan, sống khỏe hơn
Nghi lễ làm vía thể hiện một cách rõ nét đời sống tâm linh phong phú và niềm tin sâu sắc của người Thái vào sự che chở của thế giới tự nhiên và các thế lực siêu nhiên. Nó không chỉ mang lại sự an ủi tinh thần, niềm tin vào một tương lai tốt đẹp hơn cho cá nhân mà còn góp phần củng cố mối quan hệ cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Thái ở Sơn Lâm, Nghệ An.
Đến với Sơn Lâm, có thể thấy hầu hết người dân ở đây có buộc sợi chỉ trên cổ tay – một biểu tượng của sự may mắn, một nét văn hóa đặc sắc của người Thái nơi đây. "Người Thái thường xuyên làm vía để cầu mong sự may mắn nhưng họ cũng suy nghĩ rất hiện đại như khi có người ốm đau, bệnh tật là phải đi viện thăm khám, phải uống thuốc. Tục làm vía được người dân bảo tồn như lưu giữ một nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh", ông Vy Đình Chương – Trạm trưởng Trạm Y tế xã Sơn Lâm cho hay.
Nguyễn Cảnh Dũng